Khoảng trống bảo hiểm cho các tài sản công có giá trị lớn

(ĐTCK) Hoạt động cung cấp bảo hiểm cho tài sản công còn khép kín, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) còn hạn chế, trong khi chưa có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp đã dẫn đến những khó khăn trong việc bảo hiểm cho các tài sản công có giá trị lớn.
Việc tham gia bảo hiểm tài sản công theo hình thức tự nguyện còn rất hạn chế
Việc tham gia bảo hiểm tài sản công theo hình thức tự nguyện còn rất hạn chế

Thiếu sự hợp tác giữa các DNBH

Tại Hội thảo “Bảo hiểm tài sản công: Huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm, góp phần bảo vệ tài chính, ngân sách Nhà nước” mới đây, một số tồn tại trong việc bảo hiểm cho tài sản công đã được thẳng thắn chỉ ra như: chưa có sự hợp tác giữa các DNBH, tỷ lệ giá trị tài sản công được bảo hiểm còn thấp, việc cung cấp bảo hiểm khép kín…

Cụ thể, theo các chuyên gia, danh mục tài sản công được bảo hiểm có xu hướng chuyên biệt hóa với từng DNBH, theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh của cổ đông lớn là doanh nghiệp Nhà nước góp vốn vào DNBH đó (bưu chính, dầu khí, xăng dầu, quân đội). Do đó, các DNBH ngoài ngành khó tiếp cận và cung cấp bảo hiểm cho các đối tượng này. Trong khi đó, bên mua bảo hiểm chưa có nhiều thông tin để lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

“Nếu không có sự hợp tác giữa các DNBH, trong khi năng lực tài chính của DNBH còn hạn chế, sẽ rất khó để bảo hiểm cho các tài sản công có giá trị lớn”, bà Phạm Thu Phương, Trưởng phòng phi nhân thọ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết. 

Thông thường, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của DNBH phi nhân thọ có quy mô trung bình trở lên từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, DNBH chỉ được giữ lại tối đa 5% vốn chủ sở hữu cho mỗi đơn vị rủi ro. Đối với các hợp đồng bảo hiểm cho những tài sản có giá trị lớn, vượt quá năng lực tài chính của DNBH, thì DNBH phải tái bảo hiểm ra nước ngoài. Vì vậy, để giảm tính phụ thuộc vào nhà tái bảo hiểm nước ngoài trong cung cấp bảo hiểm cho các tài sản công có giá trị lớn, các chuyên gia cho rằng, các DNBH cần hợp tác đồng bảo hiểm để chia sẻ rủi ro, đồng thời tận dụng được hết năng lực tài chính của thị trường bảo hiểm. 

Tỷ lệ giá trị tài sản công được bảo hiểm còn thấp

Kết quả thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ giá trị tài sản công được bảo hiểm còn thấp; phạm vi được bảo hiểm chưa toàn diện; chưa được bảo hiểm rủi ro thiên tai (loại rủi ro thường gây ra thiệt hại lớn cho tài sản công), trong khi vai trò của bảo hiểm đối với tài sản công là hết sức cần thiết, bởi đây là loại tài sản thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khách quan như thiên tai, rủi ro kỹ thuật, cháy nổ, đâm va,…

Hiện nay, tài sản công có thể được bảo hiểm theo loại hình bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm cháy nổ (nhà, trụ sở), bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (xe ô tô), hoặc theo loại hình bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới và các DNBH thì việc tham gia bảo hiểm tài sản công theo hình thức tự nguyện còn rất hạn chế. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công chưa được bố trí ngân sách để chủ động tham gia loại hình bảo hiểm này. Vì vậy, việc tiếp cận, tư vấn cho khách hàng gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của 5 DNBH phi nhân thọ (chiếm 68,9% thị phần về bảo hiểm tài sản), khai thác bảo hiểm tài sản công thời gian qua còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ cơ quan, tổ chức, đơn vị mua bảo hiểm tài sản công mới chiếm gần 1% tổng số đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công.

Các loại tài sản công được bảo hiểm bao gồm tòa nhà, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng với tổng giá trị được bảo hiểm là 46%. Tuy nhiên, các công trình hạ tầng (cầu, đường, đê, kè, kê mương) chỉ mới tham gia bảo hiểm trong thời gian xây dựng, chưa tham gia bảo hiểm sau hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng theo thống kê từ 5 DNBH trên, doanh thu phí bảo hiểm tài sản công trung bình khoảng 180 tỷ đồng/năm. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm: vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), Thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD).

Về bồi thường, trong giai đoạn 2011 - 2014, các DNBH đã thực hiện bồi thường cho một số vụ điển hình là vụ cháy tại Công ty Dệt may Hà Nam (100% vốn Nhà nước) gây ra thiệt hại 280 tỷ đồng, trong đó, các DNBH đã bồi thường 120 tỷ đồng (năm 2011); và vụ cháy tại Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam - Sân bay Tân Sơn Nhất, gây thiệt hại 7,2 tỷ đồng (năm 2008), trong đó, các DNBH đã bồi thường 2,5 tỷ đồng.

Nhận thức rõ vai trò không thể thiếu của bảo hiểm đối với tài sản công, dựa trên thực tế nhiều quốc gia khác, các chuyên gia nhất trí cho rằng, ngoài việc khắc phục các tồn tại kể trên, cần sớm đưa quy định bảo hiểm tài sản công vào dự thảo Luật Tài sản công, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục