Sẽ có 10 ngân hàng bị xóa tên

Kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng nhỏ MeKong Bank mà Maritime Bank muốn xin cổ đông thông qua có điểm tương đồng với thương vụ sáp nhập tự nguyện Southern Bank - Sacombank. 
Maritime Bank có kế hoạch M&A với một ngân hàng nhỏ Maritime Bank có kế hoạch M&A với một ngân hàng nhỏ

Thông tin về kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Trong đó, sắp tới, NHNN sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức M&A, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 đến 10 ngân hàng.

Theo Thống đốc Bình, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng hiện chỉ khoảng 3,6 - 3,9%, nhưng NHNN đánh giá, tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. Trong năm 2014, NHNN đặt mục tiêu mua thêm 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Thống đốc Bình cũng cho biết, trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1, thì chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài, vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Các ngân hàng khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.

Như vậy, thông tin về thương vụ GP Bank sẽ bán 100% vốn cho cổ đông ngoại đã được xác nhận. Tuy phía GP Bank chưa tiết lộ danh tính của đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng các nguồn thạo tin trên thị trường cho rằng, nhiều khả năng đó sẽ là Tập đoàn UOB (Singapore).

Thực tế trên cho thấy, làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được đánh giá sẽ còn khá sôi động trong thời gian tới, khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu trong giai đoạn cuối của đề án này. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ, yếu kém, ngay từ lúc này, nên tìm kiếm đối tác để thương thảo, đàm phán trước khi NHNN buộc sáp nhập.

Được biết, theo tờ trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông ngày 19/4 tới, Maritime Bank muốn xin cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào Ngân hàng. Cụ thể, Maritime Bank xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động phê duyệt, bổ sung các nội dung tại đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ ngân hàng sau sáp nhập và phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phần; ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục cần thiết khác để tiến hành sáp nhập được thành công.

Giới thạo tin cho rằng, ngân hàng sẽ sáp nhập vào Maritime Bank chính là một ngân hàng nhỏ mà Maritime Bank là cổ đông có chi phối lớn là MeKong Bank. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 7 năm nay. Nếu điều này là đúng, thì việc sáp nhập MeKong Bank vào Maritime Bank có điểm tương đồng với thương vụ sáp nhập tự nguyện Southern Bank - Sacombank.

Với lợi nhuận năm 2013 vừa được Southern Bank công bố (chỉ đạt 3,21% kế hoạch của năm), việc tự nguyện sáp nhập vào Sacombank được xem là giải pháp tốt với ngân hàng này. Nếu không chọn sáp nhập vào Sacombank, Southern Bank khó tồn tại được, khi vốn điều lệ chỉ ở mức 4.000 tỷ đồng, quản trị yếu kém, lợi nhuận sụt giảm mạnh những năm gần đây.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, với các ngân hàng nhỏ, yếu kém, ngay từ lúc này, nên tìm đối tác mạnh để M&A, bởi chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cấu ngành, giảm số lượng ngân hàng yếu kém, sàng lọc để hệ thống được vững mạnh, có những ngân hàng đủ tầm cạnh tranh với khu vực.

Thùy Vinh(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục