“Quy củ” được thiết lập
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2016 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đã khẳng định những kết quả ngành ngân hàng làm được “cần thừa nhận” gồm: ổn định lãi suất theo hướng giảm dần; tỷ giá cũng ổn định dù có những áp lực từ bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và thị trường tự do không “áp đảo” được thị trường chính thức; tái cơ cấu ngân hàng; xử lý nợ xấu đạt được kết quả đề ra; thanh khoản ngân hàng đã cải thiện rất nhiều.
Đáng chú ý, các ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ không còn phải chạy “cơm” từng bữa về thanh khoản vào dịp cuối năm. Tỷ lệ sử dụng vốn (cho vay/huy động) cũng giảm xuống mức an toàn 80%, thay vì nhiều thời điểm tới mức 100% như trước đây.
"Nếu các NHTM yếu kém không tự khắc phục được cũng sẽ dẫn đến việc phá sản. Trước mắt, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng đến các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém" - Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh.
Theo Phó thống đốc, các ngân hàng đã ý thức tầm quan trọng của quản trị, quản lý rủi ro và hy sinh lợi nhuận để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Dù cổ tức không có, nhưng các cổ đông đã ý thức được việc phải dồn nguồn lực trích lập dự phòng, đảm bảo rủi ro trong hoạt động. Lợi nhuận của không ít ngân hàng sụt giảm mạnh, song cái được lớn nhất của các ngân hàng chính là nhận thức về quản lý rủi ro được nâng cao. Nợ xấu được phơi bày, nhưng minh bạch hơn. Các giải pháp xử lý nợ như VAMC đã giúp các NHTM giãn thời gian để xử lý, thu hồi nợ để tồn tại được.
Sự minh bạch, công khai của ngành ngân hàng đã được nâng cao giúp đem lại niềm tin cho khách hàng, cho người dân. Điều này thể hiện ở việc mặc dù một số ngân hàng vẫn còn có những thông tin không tốt, song không còn tình trạng người dân ồ ạt rút tiền như trước đây. Tăng tưởng huy động vốn toàn ngành tăng trưởng tốt (riêng tại TP. HCM tăng trưởng đến hơn 16%). Tín dụng đã hướng đúng mục tiêu, đúng mục đích, riêng tại của TP. HCM tới 80% vốn cho vay được hướng vào lĩnh vực sản xuất.
Chưa dừng tái cấu trúc
Vấn đề sau cuộc đại phẫu ngành ngân hàng 3 năm qua còn lại vẫn mang tên “ngân hàng nhỏ”.
“Năm 2016, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng quy mô vốn còn thấp. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu”, Phó thống đốc Thanh nói và cho rằng, các quy định được ban hành đã hướng tới thông lệ quốc tế tốt, nên bắt buộc các ngân hàng nhỏ phải tăng cường năng lực tài chính mới có thể đáp ứng được yêu cầu, từ đó tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn hơn.
Vấn đề được Phó thống đốc đề cập tới là vốn tăng lên phải là “vốn sạch”, bởi nếu tăng bằng vốn ảo (bằng kỹ thuật lách, chỉ tăng trên sổ sách – PV) thì sớm muộn cũng gặp khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, vấn đề sở hữu chéo đang được xử lý và thời gian tới sẽ được NHNN kiểm soát rốt ráo và mạnh tay hơn.
Mặc dù tái cấu trúc giai đoạn 3 năm 2012-2015 đã hoàn tất, nhưng NHNN vẫn tiếp tục xử lý các TCTD yếu kém, sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Nhưng theo ông Thanh, trước hết ưu tiên tự nguyện, sau đó sẽ áp dụng các biện pháp mạnh.
“Nếu các NHTM yếu kém không tự khắc phục được cũng sẽ dẫn đến việc phá sản. Trước mắt, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng đến các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém”, ông Thanh khẳng định.
Về câu chuyện của các quỹ tín dụng nhân dân, ông Thanh cho biết thực trạng là không ít quỹ năng lực yếu, quản trị rủi ro lỏng lẻo, nhưng lại đang hoạt động theo mô hình như một ngân hàng cổ phần nông thôn, cho vay cả với doanh nghiệp. Trong khi đó, vai trò và chức năng của quỹ tín dụng nhân dân không như ngân hàng. Hiện trên địa bàn TP. HCM, vốn của các quỹ tín dụng nhân dân còn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Kiểm soát tín dụng BĐS, hạn chế nợ xấu
Ngoài các vấn đề trên, tín dụng tăng trưởng trong năm qua được cho là tích cực, song đối với tín dụng bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn rủi ro nên trong năm nay, NHNN sẽ tái kiểm soát tín dụng lĩnh vực này.
Theo ông Thanh, trong thời gian qua đã có nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào BĐS, kể cả cho vay chủ đầu tư. Điều đáng lo là nhiều ngân hàng đã bỏ “trứng” vào một “giỏ”, tức nhiều nhà băng đã cho vay vào một dự án BĐS theo hướng dài hơi… Rủi ro là nếu dự án có vấn đề thì hàng loạt ngân hàng bị ảnh hưởng. Để phân tán rủi ro, các ngân hàng cần tăng cường cho vay nhỏ, lẻ, phân tán.
Qua thanh tra của NHNN, hiện một số tổng công ty, tập đoàn gặp khó khăn và đã có công văn tới NHNN cho rằng, nếu không cơ cấu lại, giảm lãi suất thì họ sẽ phá sản, kéo theo khó khăn cho NHNN. Đó cũng là một trong những cảnh báo đối với các ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản cũng như cho vay dài hơi. Vốn trung, dài hạn thời gian qua tăng trưởng tốt, nhưng cũng rất rủi ro nếu các NHTM lại bóc ngắn “cắn” dài, lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Vì vậy, nếu ngân hàng chạy đua lãi suất huy động vốn để cho vay ra khó tránh rủi ro thanh khoản.
Mặc dù nợ xấu đã phần nào được xử lý, nhưng nếu không thận trọng trong cho vay, rủi ro nợ xấu tái tăng là điều khó tránh.