Sẽ cho phá sản hoặc thoái hơn 63 tỷ đồng vốn Nhà nước tại 12 dự án

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đắp chiếu của ngành Công thương tới đây có dự án sẽ thoái vốn, một số được tái khởi động, còn số khác sẽ bị phá sản, theo phương án chi tiết xử lý được Bộ Công thương báo cáo, trình Chính phủ. 
Đạm Ninh Bình là một trong số các dự án đã được khởi động lại sản xuất từ đầu năm 2017, tuy nhiên dự án vẫn chưa thể quyết toán, do vướng mắc xử lý hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc. Đạm Ninh Bình là một trong số các dự án đã được khởi động lại sản xuất từ đầu năm 2017, tuy nhiên dự án vẫn chưa thể quyết toán, do vướng mắc xử lý hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ gần 43.700 tỷ đồng, nhưng sau đó đã "đội" lên hơn 63.600 tỷ (tăng hơn 45% so với dự kiến ban đầu) và phần lớn trong số đó là vốn vay, gần 47.500 tỷ (xấp xỉ 74,6%). 

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối 2016 là hơn 16.120 tỷ đồng; tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ, chiếm 95% tổng tài sản các dự án.

Trong số 12 dự án trên thì hiện có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, song thua lỗ, gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, Nhà máy thép Việt Trung. 

Ba dự án đang dừng sản xuất do thua lỗ lớn, là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex.

Còn lại 3 dự án đang dừng thi công do thiếu vốn, gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất được lựa chọn cho phá sản. Dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam sẽ được bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho.

Theo phương án xử lý mà Bộ Công thương đưa ra, lựa chọn phá sản được dành cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất. 

Với nhóm nhà máy nhiên liệu sinh học, phương án mà cơ quan quản lý đưa ra là thoái vốn, chuyển nhượng. Cụ thể, tại dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bộ Công Thương quyết định để Công ty nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chuyển nhượng, thoái vốn.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải tính toán khởi động lại nhà máy, xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC để hoàn thành việc quyết toán đầu tư xây dựng. Tương tự, PVOil sẽ phải thoái vốn, chuyển nhượng khỏi dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ. 

Phương án thoái vốn cũng được lựa chọn cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Dù đã "đắp chiếu" từ năm 2015, song nhà chức trách vẫn kỳ vọng có thể khởi động lại nhà máy này, tái cơ cấu, cổ phần hoá và sau đó thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác ngoại để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm.

Một lựa chọn khác được đưa ra cho PVTex là sẽ chuyển nhượng công ty cho đối tác thích hợp. 

Tái khởi động lại sản xuất để "lấy đà" cổ phần hoá, sau đó sẽ thoái vốn Nhà nước... là phương án được đưa ra với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem); dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy Gang thép Lào Cai. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng lưu ý, các dự án này, đặc biệt là Đạm Ninh Bình phải xử lý dứt điểm tranh chấp với tổng thầu hợp đồng EPC.

Thực tế, từ đầu năm 2017 các dự án nhà máy sản xuất phân đạm của Vinachem đã khởi động sản xuất trở lại sau hàng năm trời tạm dừng sản xuất.

Chủ đầu tư số dự án này cũng tự tin bằng các giải pháp và thị trường phân đạm sáng sủa hơn, các dự án có thể cắt lỗ trong năm nay hoặc năm sau. 

Ngoài các dự án đạm, Nhà máy thép Việt - Trung (VTM) đã ghi nhận có lãi trở lại trong tháng 3/2017 khoảng 28 tỷ đồng. Số lỗ luỹ kế quý I/2017 mà VTM đang "gánh"  khoảng 40 tỷ, giảm 85% so với cùng kỳ 2016.

Còn tại dự án mở rộng giai đoạn 2 - Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, hiện Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn thành việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp vào dự án, bảo toàn một phần vốn Nhà nước đã "đổ" vào đây. 

Hồi đầu tháng 4, tại cuộc họp rà soát các nhiệm vụ xử lý 12 dự án yếu kém, vướng mắc trong thanh lý hợp đồng EPC với các nhà thầu (chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc) đang được coi là điểm "nghẽn" lớn nhất của số dự án trên. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đốc thúc các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương rà soát, xử lý xong vướng mắc tài chính với các nhà thầu. 

"Mục tiêu là hoạt động trở lại số dự án này, nhưng nếu không hoạt động được thì có phương án xử lý, có thể có dự án sẽ phá sản, có dự án sẽ bán..., song trước nhất phải quyết toán xong hợp đồng EPC số dự án này”, Bộ trưởng Dũng dứt khoát.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục