Theo đó, lượng cổ phần chào bán trong năm 2017 là 48,333 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,33% vốn điều lệ Vinamilk. Đây là số cổ phiếu chưa bán được trong năm 2016.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, việc bán 3,33% sẽ giúp Nhà nước giảm sở hữu tại Vinamilk về 36%, thay vì hơn 39,33% như hiện tại. Tỷ lệ này vẫn đảm bảo Nhà nước là một cổ đông lớn của VNM (theo Điều lệ Công ty, SCIC vẫn có quyền phủ quyết tại Vinamilk).
Ông Chi cho biết, việc thoái vốn của Vinamilk dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017, nhưng SCIC mong được thực hiện nhanh hơn vì thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố thuận lợi.
“Chúng tôi không giới hạn nhà đầu tư tham gia mua VNM, chỉ cần đạt điều kiện theo quy định. Các hạn chế của đợt bán vốn năm 2016 như đặt cọc bằng ngoại tệ, mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài… năm nay SCIC sẽ đề xuất khắc phục”, ông Chi nói.
Nếu thị trường diễn biến như kiện tại, SCIC dự kiến sẽ thu về 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Tức là giá bán VNM tương đương năm ngoái.
Trên thị trường, chốt phiên ngày 4/8, VNM được giao dịch ở mức giá 154.000 đồng/cổ phiếu.