Theo thông tin công bố, SIC đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu FPT với mục đích đầu tư. Nếu giao dịch thành công, công ty này sẽ là cổ đông nắm giữ 0,36% vốn cổ phần của FPT.
Việc SIC phải công bố thông tin bởi là bên có liên quan với cổ đông lớn của FPT. Ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐTV SIC đồng thời là thành viên HĐQT FPT. SCIC hiện là cổ đông lớn thứ 2 sau ông Trương Gia Bình, nắm giữ trên 6% vốn điều lệ FPT.
Có một điểm đáng chú ý, FPT nằm trong danh sách các công ty mà SCIC phải thoái vốn đến năm 2015. Vậy tại sao SIC lại mua vào cổ phiếu này? Cổ phiếu FPT không phải khẩu vị ưa thích của dân đầu cơ, biến động giá không quá mạnh và nóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây là cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và được nhiều tổ chức đánh giá an toàn để đầu tư. Sau khi vượt qua đầu 7, chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu, FPT hiện rớt xuống đầu 4, mức giá khá hấp dẫn để mua vào.
SIC được thành lập năm 2012, số vốn ban đầu là 500 tỷ đồng (sau này sẽ được rót thêm 500 tỷ đồng nữa), với mục tiêu đầu tư hiệu quả, tức là chú trọng đến lợi nhuận hơn các mục tiêu khác, là công cụ để SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Là công ty 100% vốn trực thuộc SCIC, hàng năm, SIC phải đệ trình kế hoạch kinh doanh cụ thể lên SCIC, tuy nhiên, trong các hoạt động đầu tư thường ngày, doanh nghiệp này có quyền quyết định linh hoạt, đáp ứng sự biến động nhanh trên thị trường.
Theo một nguồn tin từ SCIC, trong năm 2013, SIC đã giải ngân khá nhiều, tần suất mua bán diễn ra nhanh và doanh nghiệp đã có lãi, đóng góp vào báo cáo hợp nhất của SCIC. Như vậy có thể hiểu, SIC mua nhanh, bán nhanh trên thị trường thứ cấp, thay vì mua và để đầu tư dài hạn như các doanh nghiệp có vốn nhà nước thường làm. Thị trường giá xuống là cơ hội để nhà đầu tư này mua vào.
SIC tham gia thị trường thứ cấp, còn SCIC thì sao? Năm 2009, khi thị trường trong nước chao đảo do bong bóng nhà đất Mỹ nổ tung, SCIC đã mua vào theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy không công bố chi tiết số tiền và thời điểm giải ngân, nhưng động thái của SCIC đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường. Nguồn tin từ SCIC cho biết, SCIC sau đó đã bán ra phần lớn số cổ phiếu “cứu giá” và thu được lợi nhuận từ hoạt động này.
Tuy nhiên, sau thời điểm trên, thông tin về hoạt động đầu tư, nhất là tham gia vào thị trường thứ cấp của SCIC hầu như vắng bóng. Cuối năm 2012, trong một dịp trao đổi với báo chí, lãnh đạo tổng công ty này cho biết, trong năm, SCIC không nhìn thấy cơ hội trên thị trường thứ cấp, do đó không đầu tư và quan điểm đó đã đúng, giúp bảo toàn vốn Nhà nước. Vậy năm 2014, trong khi nhiều tổ chức đánh giá cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán, SCIC nhìn nhận như thế nào? Từ chối trả lời câu hỏi trên, song nguồn tin từ SCIC cho rằng, Nghị định 151/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định: SCIC được đầu tư chiến lược 70% vốn, còn 30% đầu tư hiệu quả. SCIC hiện có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, dự kiến được tăng lên thành 30.000 tỷ đồng vào năm 2015 và có thể lên 40.000 tỷ đồng. Tổng công ty có thể chủ động tham gia thị trường thứ cấp trong dung lượng 30% vốn, một con số không nhỏ. Việc rót 500 tỷ đồng thành lập SIC là một trong những hoạt động cụ thể hóa việc đầu tư hiệu quả trên.
Với vai trò của mình, sẽ là nhạy cảm khi SCIC phát ngôn hoặc công bố việc tham gia mua vào hoặc bán ra quy mô lớn trên thị trường. Song, thị trường biến động mạnh sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư bản lĩnh, trường vốn. Dám chịu trách nhiệm để tối ưu hóa đồng vốn Nhà nước trong giới hạn an toàn nhất có thể luôn là mong muốn của thị trường dành cho nhà đầu tư đặc biệt này.