Hiệu quả và kỳ vọng
Được thành lập từ năm 2006, mô hình SCIC ngay từ những ngày đầu đã thu hút sự chú ý của thị trường bởi lần đầu tiên Việt Nam thành lập doanh nghiệp chuyên về quản lý vốn Nhà nước, thay vì đặt rải rác tại các cơ quan quản lý và thực hiện kiêm nhiệm như trước đây.
Qua 8 năm hoạt động, dù vẫn còn một số tồn tại song hoạt động của SCIC được đánh giá hiệu quả, thể hiện qua những con số cụ thể. Tính đến 31/12/2013, tổng tài sản của SCIC đạt trên 65.000 tỷ đồng, tăng 12 lần so với thời điểm thành lập; vốn chủ sở hữu đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 4.273 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm và tăng 30% so với năm 2012.
6 tháng đầu năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, SCIC đạt doanh thu 3.355 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 57,4% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 2.817 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 55,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.625 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 54,8% kế hoạch năm.
Quan trọng hơn, SCIC đã chứng minh tính hiệu quả trong việc đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn. SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 965 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là hơn 7.900 tỷ đồng.
Vinare là một trong các DN SCIC nắm giữ, đầu tư dài hạn
Thông qua vai trò cổ đông, Tổng công ty đã tham gia tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại của các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào giải pháp cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, cơ cấu lại tài chính (vốn và công nợ), kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ…
Với sự tham gia quản lý của SCIC theo phương thức mới, đa số các doanh nghiệp đều tăng trưởng về quy mô và hiệu quả hoạt động. Giá trị phần vốn nhà nước tại 349 doanh nghiệp nhận bàn giao (xác định tại thời điểm 20/12/2013 theo quy định của Nghị định 151/2013/NĐ-CP) đạt hơn 71.000 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với giá trị sổ sách (gần 10.500 tỷ đồng).
Giới chuyên gia kinh tế nhận xét, SCIC hiện là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hoá và cơ cấu lại phần vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư. SCIC thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến 31/12/2013, SCIC đã bán vốn tại 646 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 587 doanh nghiệp) với giá trị sổ sách bán vốn là 1.859 tỷ đồng, thu về 4.096 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,2 lần so với mệnh giá.
Từ nguồn thu được từ bán vốn và lợi nhuận thu được qua các năm, SCIC đã tiến hành đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư thực hiện đến 31/12/2013 là hơn 12.000 tỷ đồng.
Thông qua SCIC, Nhà nước đã tách bạch chức năng quản lý với vai trò đại diện chủ sở hữu. Việc quản lý vốn thông qua SCIC có hiệu quả hơn so với mô hình bộ chủ quản đối với DNNN đã chuyển đổi, hạn chế tối đa tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, là mô hình mới tại Việt Nam, hoạt động của SCIC không tránh khỏi những bất cập và thị trường kỳ vọng Tổng công ty này được chủ động, sáng tạo hơn để bứt phá đúng với vai trò nhà đầu tư lớn của Chính phủ.
Tầm vóc mới
Nghị định 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, có hiệu lực từ 6/8/2014 đã trao quyền chủ động cho SCIC. Cụ thể, Tổng công ty có quy mô vốn điều lệ lên tới 50.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với khi SCIC chuyển đổi mô hình sang công ty TNHH một thành viên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tháng 7/2010: vốn điều lệ của SCIC là 19.000 tỷ đồng). Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thống nhất quản lý và thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước tại SCIC.
Điều lệ quy định quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, Hội đồng thành viên SCIC. Theo đó, Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương SCIC tham gia góp vốn thành lập công ty mới; chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị từ 25% vốn điều lệ trở lên; phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm của SCIC bao gồm cả dự án nhóm A, B thuộc doanh nghiệp do SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ và thông báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, giám sát.
Hội đồng thành viên SCIC có 7 người, trong đó có thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thành viên được quyền tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn trong và ngoài SCIC trước khi quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc SCIC do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Thành viên Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm.
Điều lệ cũng quy định rõ về người đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện phải xin ý kiến của SCIC bằng văn bản trước khi biểu quyết các nội dung liên quan tới góp vốn, vay, cho vay và vấn đề nhân sự...
Theo Tổng giám đốc SCIC Lại Văn Đạo, năm 2014, SCIC sẽ tập trung triển khai Nghị định 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC; đôn đốc tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, địa phương theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP; tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo danh mục bán vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu SCIC; tiếp tục làm việc với các tập đoàn, tổng công ty về các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng; sàng lọc, đánh giá và tham gia vào các cơ hội có hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Được thừa nhận là mô hình có hiệu quả, song kỳ vọng của thị trường vào SCIC rất lớn. Có thêm “chiếc áo” pháp lý, với quyền và trách nhiệm cụ thể, SCIC có điều kiện tốt hơn để hoàn thành sứ mạng quan trọng của mình: tham gia quản lý và đầu tư vốn nhà nước hiệu quả, đúng tầm cỡ một nhà đầu tư lớn trên thị trường trong nước và tiến tới vươn tầm quốc tế.
Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ đã tăng cường chức năng nhiệm vụ của SCIC. Thời gian tới, nhiệm vụ của SCIC sẽ nặng nề hơn. Do đó, SCIC cần phát huy tính chủ động, tích cực hơn nữa để làm tốt công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, gắn kết có hiệu quả các doanh nghiệp thành viên, tận dụng tốt cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nhà đầu tư của Chính phủ. Bà Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Thế giới có 3 hình thức thực hiện quyền sở hữu nhà nước. Một là mô hình phân cấp, theo mô hình này, trách nhiệm sở hữu nhà nước nằm rải rác ở các bộ chủ quản. Hai là, mô hình tư vấn, nghĩa là sở hữu nhà nước vẫn nằm rải rác ở các bộ chủ quản, nhưng có một cơ quan điều phối và tư vấn được thiết lập để tư vấn các bộ, ngành về vấn đề sở hữu. Thứ ba là mô hình tập trung, tức là trách nhiệm sở hữu nhà nước tập trung vào một cơ quan độc lập. Xu hướng hiện nay, các quốc gia đang từ bỏ mô hình phân cấp và tiến tới mô hình tập trung hơn nhằm làm rõ và tăng cường vai trò sở hữu nhà nước, đảm bảo thực thi đồng nhất, tập trung nguồn lực vào một nơi, tách biệt chức năng sở hữu nhà nước khỏi chức năng quản lý nhà nước để giảm thiểu hoặc trách các xung đột lợi ích tiềm tàng... Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang Từ khi SCIC quản lý phần vốn nhà nước tại DN, kết quả kinh doanh, giá trị DN và uy tín thương hiệu DHG ngày càng gia tăng. SCIC đã hỗ trợ DHG tiếp cận với thị trường vốn, tư vấn nâng cao năng lực quản trị, hài hòa lợi ích giữa cổ đông, DN và người lao động, gia tăng giá trị DN. |