Cụ thể, trong thời gian tới, SCIC sẽ triển khai thuê các doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá để phục vụ công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.
Ngoài các yêu cầu cơ bản đối với các đơn vị thẩm định giá, năng lực tài chính (kết quả hoạt động kinh doanh trong 3 năm gần nhất); năng lực nhân sự (danh sách cán bộ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm); các hợp đồng tiêu biểu đã thực hiện trong lĩnh vực xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá); điểm đánh giá xếp hạng trong năm 2017 của doanh nghiệp do Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đánh giá là những tiêu chí quan trọng được xem xét.
Năm 2018, SCIC sẽ thoái vốn tại 121 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết cổ phiếu trên sàn, chẳng hạn 3% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, 57% vốn tại Tổng công ty Vinaconex, 25% vốn tại Tổng công ty Thăng Long, 37% vốn tại Nhựa Thiếu niên Tiền phong, 47% vốn tại Khoáng sản Hà Giang, 6% vốn tại FPT…