Schneider Electric thâu tóm gọn gàng Invensys

(ĐTCK) Thương hiệu toàn cầu về quản lý năng lượng của Pháp, Schneider Electric vừa thực hiện thương vụ sáp nhập Invensys, một công ty dịch vụ, thiết bị năng lượng của Anh. Theo đó, Schneider Electric sẽ mua lại Invensys với giá trị tiền mặt và cổ phiếu vào khoảng 3,4 tỷ bảng Anh, tương đương 5,2 tỷ USD.
Jean-Pascal Tricoire Jean-Pascal Tricoire

Thông tin này đã được chính thức hóa sau lời tuyên bố của 2 công ty vào tháng trước, khi hai DN châu Âu đang trong quá trình đàm phán hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho Schneider Electric mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu bằng cách cung cấp những thiết bị, dịch vụ điện hạ và trung thế.

Mặc dù giá thỏa thuận lần này thấp hơn giá ban đầu được đưa ra vào hồi tháng 7 vừa qua, nhưng đơn vị tiền mặt cao hơn con số sơ bộ là 17%.

“Chúng tôi hoan nghênh sự gia nhập của đội ngũ Invensys và tin tưởng rằng, sự kết hợp lần này sẽ tăng cường diện mạo tổng thể của Schneider Electric trong nền công nghiệp châu Âu”, ông Jean-Pascal Tricoire, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Schneider Electric tuyên bố.

Còn về phía đối tác Invensys, Chủ tịch Nigel Rudd lạc quan: “Giữa 2 công ty có một sự hòa hợp tuyệt đối về sách lược. Các cổ đông sẽ cảm thấy cực kỳ hài lòng với thỏa thuận tiền mặt và cổ phiếu”. Ông Rudd cũng từng là Chủ tịch của Pilkington Glass và Boots, trước khi hai DN này được bán lại cho các công ty nước ngoài.

Sau khi tin tức về vụ sáp nhập lan rộng, thứ Tư tuần qua, cổ phiếu của Invensys tăng 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng tại TTCK London, trong khi Schneider Electric tăng 4,5%  ở TTCK Paris.

Nếu thỏa thuận mua lại nhận được sự chấp thuận từ phía các cổ đông, công ty mới sẽ là sự kết hợp của 4.600 lao động ở Anh của Invensys với đội ngũ 156.000 nhân viên toàn cầu của Schneider. Tuy nhiên, phía Schneider cảnh báo có thể giảm số lượng nhân công, một phần vì sự trùng lặp ở một số phòng chức năng sau khi sáp nhập, phần nữa do kế hoạch cắt giảm chi phí 140 triệu euro/năm (tương đương với 122 triệu bảng Anh/năm) mà Công ty đã đề ra.

Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt vụ mua lại của Tập đoàn Schneider Electric, bao gồm các thương vụ giao dịch ở Ấn Độ và Tây Ban Nha.

Invensys từ lâu đã để ngỏ khả năng sáp nhập với một đối tác khác do khó khăn tài chính với món nợ lương khoảng 700 triệu USD đè nặng, đồng thời phải trả lại 625 triệu bảng Anh tiền mặt cho các cổ đông. Để giải quyết tình trạng này, Công ty đã phải bán cơ sở kinh doanh hạ tầng đường sắt cho Tập đoàn Siemens của Đức với giá 1,740 tỷ bảng Anh.

Tom Dobell, nhà quản lý quỹ M&G Recovery Fund và cũng là cổ đông lớn nhất của Invensys, với lượng cổ phiếu nắm giữ hơn 9%, cho biết, lãnh đạo Invensys đã “đưa Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn một cách ngoạn mục”.

“Thương vụ sáp nhập với Schneider Electric là động thái hợp tác kinh doanh mới nhất của Invensys sau một thời gian dài tập trung vào việc trả nợ, cơ cấu lại bảng cân đối ngân sách và cải thiện dòng tiền”, ông Dobell nói thêm.

Về phía Schneider Electric, với doanh thu hàng năm gần 24 tỷ Euro, tương đương với 32 tỷ USD vào năm 2012, Tập đoàn đang trở thành một nhà đầu tư đáng gờm trong việc mua lại các DN và dự án tiềm năng, bất chấp khủng hoảng tài chính vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thỏa thuận mua lại Invensys sẽ giúp Schneider Electric tiếp cận một lượng khách hàng rộng lớn của công ty này trong lĩnh vực dầu khí, khi Invensys là đơn vị cung cấp hệ thống an toàn và hệ thống kiểm soát trong lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, Invensys còn cung cấp các sản phẩm thông gió và điều hòa không khí cho những công ty sản xuất lớn.

Tham gia vào thương vụ này có sự cố vấn của Ngân hàng Hoa Kỳ Merrill Lynch và BNP Paribas đối với Tập đoàn Schneider Electric, trong khi Hãng tư vấn tài chính Barclays và JPMorgan Chase sẽ hỗ trợ cho Invensys.

Là chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng hoạt động tại hơn 100 quốc gia, Schneider Electric nổi lên là một tập đoàn tiên phong trong phát triển công nghệ và định hướng thị trường. Năm 1991, Công ty đã hiện diện ở Việt Nam với thành công của dự án đường dây điện 500KW Bắc - Nam . Sau hơn 10 năm liên tục phát triển với đội ngũ hơn 900 nhân viên, Schneider Electric Việt Nam hiện một trong những công ty dẫn đầu trong ngành kỹ thuật năng lượng phục vụ cho cao ốc văn phòng, các ngành công nghiệp… tại Việt Nam với những thương hiệu chính như Schneider Electric, Clipsal, Merlin Gerlin, Telemecanique, Nu-Lec và APC/MGE.                                    


Hồng Tuyết (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục