Thay đổi kế hoạch kinh doanh 2 lần trong 1 tháng
Ngày 19/7/2018, SCD, được biết đến với sản phẩm chủ lực là Sá xị Chương Dương, sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018. Đáng lẽ SCD đã tổ chức họp ngày 27/6, nhưng doanh nghiệp lùi thời gian bởi cần phải thay đổi tài liệu họp ĐHCĐ. Tính ra, trong vòng 1 tháng, từ ngày 25/5 đến 21/6, kế hoạch kinh doanh của SCD đã được điều chỉnh 2 lần.
Tại báo cáo thường niên năm 2017, SCD đưa ra định hướng kinh doanh năm 2018, kế hoạch này được đưa ra ngày 25/5/2018 để nộp công ty mẹ là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phê duyệt. Trong thông báo họp ĐHCĐ, bản tài liệu đầu tiên đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh theo hướng giảm. Tại bản tài liệu chính thức cho ngày họp 19/7 tới, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của SCD được điều chỉnh thêm một lần nữa.
Cụ thể, kế hoạch sản lượng tiêu thụ được điều chỉnh giảm từ 32,8 triệu lít ban đầu xuống 29,7 triệu lít. Doanh thu thuần dự kiến đạt 363,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3,7 tỷ đồng, trong khi định hướng tại báo cáo thường niên và bản tài liệu họp đầu tiên, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 21,3 tỷ đồng và 16,2 tỷ đồng.
Trước đó, giải thích lý do dời ngày tổ chức ĐHCĐ, ông Trần Đức Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị SCD cho biết, nhận thấy nhiều chỉ tiêu dự kiến chưa khả thi nên Công ty cần thời gian để hiệu chỉnh lại kế hoạch chi tiết, phù hợp với kế hoạch tổng thể, trình chủ sở hữu phê duyệt. Được biết, trong tháng 4/2018, Công ty cũng đã xin gia hạn tổ chức ĐHCĐ với lý do này và xin ý kiến về các vấn đề liên quan đến nhân sự Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Kỳ vọng Thaibev?
Có ý kiến cho rằng, Thaibev sẽ gián tiếp hỗ trợ SCD, đơn vị được kỳ vọng góp phần giúp công ty mẹ là Sabeco phát triển trong dài hạn.
Được biết, tháng 12/2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage thuộc sở hữu gián tiếp của Thai Beverage đã mua lại 53,59% vốn điều lệ Sabeco. Vì vậy, lần đầu tiên, tài liệu họp ĐHCĐ năm nay của SCD được trình bày dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Có vẻ như sự xuất hiện của Thaibev đã góp phần làm thay đổi kế hoạch kinh doanh mà Ban lãnh đạo SCD dự kiến trước đó.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận được SCD điều chỉnh giảm trước khi trình ĐHCĐ, song tỷ lệ chi phí bán hàng trên lợi nhuận gộp là 61,1%, cao hơn 2 mức đầu tiên mà Công ty đưa ra (lần lượt là 54,1% và 56,3%), tức sản lượng tiêu thụ dự kiến giảm so với kế hoạch ban đầu, Công ty vẫn quan tâm tới việc chi cho công tác bán hàng.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, tham dự ĐHCĐ SCD sắp tới sẽ thấy được phương hướng, giải pháp cụ thể của Công ty nhằm đẩy mạnh công tác bán hàng, quảng bá thương hiệu cũng như chiến lược hoạt động cả trong ngắn và dài hạn.
Với Sabeco, Tổng công ty dự kiến trình ĐHCĐ ngày 21/7/2018 kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 khoảng 4.009 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước, mặc dù kế hoạch sản lượng tiêu thụ tăng.
Không của để dành, doanh thu phụ thuộc vào 1 sản phẩm
SCD tiền thân là Nhà máy USINE BELGIQUE, xây dựng năm 1952, thuộc Tập đoàn BGI (Pháp). Trước năm 1975, đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam Việt Nam. Năm 1977, nhà máy được tiếp quản và trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Năm 2004, Công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ vốn góp của Sabeco là 51%, năm 2012 tăng lên 61,9%.
Giai đoạn 2010 - 2016, lợi nhuận sau thuế của SCD dao động phổ biến trong khoảng 20 - 30 tỷ đồng/năm. Năm 2017 vừa qua, Công ty ghi nhận lỗ hơn 3 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Với khoản lỗ này, SCD ghi luôn vào khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp một khoản tương đương, đây là lần đầu tiên lỗ sau 12 năm niêm yết, dẫn đến cổ phiếu SCD nằm trong tình trạng bị cảnh báo và không được giao dịch ký quỹ.
Đây cũng là một vấn đề cần nhìn nhận lại của SCD khi doanh nghiệp này đem tất cả lợi nhuận những năm trước tập trung chia thưởng và chi trả cổ tức, khiến chỉ cần một năm lỗ, Công ty lập tức ghi nhận lỗ lũy kế. Cùng với đó, từ khi lên niêm yết tới nay, SCD không có đợt tăng vốn nào, giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 85 tỷ đồng.
Năm 2017, SCD đặt mục tiêu chi trả cổ tức 20%, song do bị lỗ nên Công ty không thể thực hiện như Nghị quyết ĐHCĐ. Trước đó, Công ty chia cổ tức đều đặn mỗi năm, thấp nhất là 15% và cao nhất là 25%. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018 của SCD bỏ qua vấn đề cổ tức, mặc dù tại báo cáo thường niên 2017, mức dự chi là 20%.
Về triển vọng kinh doanh, SCD cho biết, theo khảo sát, mức tiêu thụ thức uống của người Việt Nam năm 2016 đạt 82 tỷ lít, dự kiến sẽ tăng lên 109 tỷ lít vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6%. Trong đó, nhóm đồ uống có cồn, mặt hàng bia vẫn giữ ưu thế là thức uống phổ biến. Đối với thức uống không cồn, doanh số nước giải khát được bán ra thị trường gấp đôi doanh số nước có gas và xu hướng này dự báo sẽ được giữ nguyên trong thời gian tới.
Hiện thị phần của SCD chiếm khoảng 5% sản lượng ngành nước giải khát có gas, sản phẩm chính vẫn là sá xị và doanh thu hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm này, nên đây vừa là ưu thế, vừa là rủi ro nếu xu hướng và thị trường tiêu dùng có sự thay đổi.
Ban lãnh đạo SCD tự đánh giá, doanh nghiệp chưa có định hướng chiến lược rõ ràng về đầu tư, thương hiệu, sản phẩm và cạnh tranh để gia tăng sức mạnh, cũng như cải thiện hiệu quả trong dài hạn. Sự yếu thế trong hoạt động quảng bá khiến ngoài sản phẩm sá xị, người tiêu dùng ít biết đến các sản phẩm khác của Công ty.
Từ năm 2010 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp khá phập phù, doanh thu năm 2017 thậm chí thấp hơn giai đoạn 8 năm về trước; biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ năm 2011 đến năm 2015, nhưng gần đây có diễn biến giảm tốc.