SCB sẽ thay đổi toàn diện để xây dựng hệ sinh thái chất lượng dịch vụ xuất sắc cho khách hàng

(ĐTCK) Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về hình ảnh một SCB mới trong thập kỷ vừa tới. Đó là một ngân hàng không chỉ chú trọng vào chất lượng của hoạt động kinh doanh, mà còn hướng đến đóng góp tài chính cho xã hội. 
Tại mỗi điểm “chạm”, khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt và hài lòng về SCB. Tại mỗi điểm “chạm”, khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt và hài lòng về SCB.

SCB sẽ niêm yết trên HOSE sau năm 2022

Một số thông tin cho biết, Đề án tái cơ cấu mới của SCB đã được Chính phủ thông qua. Ông có thể xác nhận nội dung này, cũng như tiết lộ những điểm chính của Đề án?

Theo tôi được biết, Đề án tái cơ cấu của SCB mới được Chính phủ thông qua về mặt chủ trương và trong đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ rà soát trước khi chính thức phê duyệt.

Đối với Đề án tái cơ cấu mới, chủ trương chung, cơ bản của NHNN cũng như Chính phủ là tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tái cơ cấu và được thực hiện tái cơ cấu dưới sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo đạt mục tiêu trong giai đoạn phát triển mới.

Đề án tái cơ cấu đề cập đến những hỗ trợ về mặt quy định pháp luật để có những xử lý linh hoạt, phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng TCTD đang tái cơ cấu, đồng thời sẽ có những giải pháp thiết thực giúp Ngân hàng tạo được nền tảng phát triển ổn định và bền vững.

Hiện tại, trong thời gian đợi NHNN rà soát lại, SCB vẫn đang triển khai các kế hoạch trên cơ sở Đề án tái cơ cấu trước đây với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị.

Để đạt được mục tiêu này, Ban điều hành đề ra một số trọng tâm, trong đó “sợi dây” xuyên suốt năm 2020 sẽ là khách hàng.

Cụ thể, hướng đến mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, SCB xây dựng một hệ sinh thái chất lượng dịch vụ xuất sắc.

Thực tế, đây là một quá trình kéo dài liên tục từ trước tới nay, không có điểm dừng nhằm xây dựng chất lượng dịch vụ tốt, bởi tôi tin rằng, khi xã hội phát triển thì nhu cầu được phục vụ tốt, đúng, hiệu quả sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn, chứ không phải vấn đề về giá.

Theo đó, SCB sẽ thay đổi toàn diện về chất lượng dịch vụ, cũng như điểm “chạm” tới khách hàng. Tại mỗi điểm “chạm”, khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt và hài lòng nhất.

Các sản phẩm sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi nhằm khai thác tốt tiềm năng của một thị trường đang rất sôi động, trẻ, nhu cầu về sản phẩm tài chính, nhu cầu cá nhân cũng như bảo vệ tài chính cơ bản của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là hướng vào những sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Để thực hiện chiến lược đặt ra, giải pháp SCB lựa chọn là gì, thưa ông?

SCB sẽ thay đổi toàn diện để xây dựng hệ sinh thái chất lượng dịch vụ xuất sắc cho khách hàng ảnh 1

Ông Võ Tấn Hoàng Văn.

SCB tiếp tục đầu tư vào con người, nâng cao năng lực điều hành, quản lý lãnh đạo của các nhân viên cấp trung, cấp cao.

Với nhân viên bên dưới là tác phong chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng.

Đối với công nghệ, Ngân hàng hoàn thiện hệ thống core banking và dự kiến quý II/2020 sẽ triển khai app mobile banking mới để khách hàng có trải nghiệm khác biệt khi giao dịch tại SCB.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm là SCB sẽ đầu tư mạnh vào ngân hàng số, vì đây là xu hướng của thế giới và tại sao lại không khi chi phí đầu tư cho ngân hàng số sẽ ngày càng rẻ hơn so với chi phí phát triển mạng lưới truyền thống.

Đầu tư ngân hàng số giúp SCB được tiếp cận với một lượng khách hàng lớn hơn, bà con ở vùng xa, sâu hơn và cũng phù hợp với xu hướng chung khi gần như 100% người trưởng thành ở Việt Nam đã sử dụng smartphone.

Trên thị trường, câu chuyện các ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC đang khá “nóng”, SCB có “xuôi” theo dòng chảy?

Chủ trương của SCB là đang trong quá trình tái cơ cấu, do đó, bán nợ cho VAMC để giải quyết vấn đề, giúp Ngân hàng có thêm thời gian trích lập dự phòng đối với những phần nợ xấu.

Hiện nay, tổng dự phòng SCB trích lập kể cả những khoản nợ bán cho VAMC đã lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.

Đây là một con số rất lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với SCB, bởi Ngân hàng đã dự kiến niêm yết trên HOSE sau năm 2022. Theo đó, việc dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu sẽ giúp bức tranh tài chính của SCB ngày càng lành mạnh.

Nếu nợ xấu vẫn còn, tại VAMC sẽ không có câu chuyện chia cổ tức cho cổ đông…?

Theo quy định của các cơ quan quản lý, những TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu không có chủ trương chia cổ tức.

Tại Đại hội cổ đông của SCB những năm qua, cổ tức luôn là vấn đề được các cổ đông trăn trở, nhưng chúng tôi may mắn nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu của các cổ đông.

Cổ tức không chia hàng năm là nguồn tích trữ giúp SCB xử lý nợ xấu khi Ngân hàng chuẩn bị niêm yết và trên tất cả, đó là khát vọng của chúng tôi mang đến những giá trị, lợi ích lâu dài cho cổ đông trong tương lai. Chúng tôi tin, các cổ đông hiểu sự hy sinh này là có ý nghĩa.

Tái cơ cấu tư duy lãnh đạo cấp trung và cấp cao 

Câu chuyện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ban lãnh đạo SCB đặt ra, ông có thể tiết lộ tiến trình này đã đi được những bước nào?

Có ít nhất hai nhóm nhà đầu tư tài chính, một là Consortium (Tập đoàn) đến từ Hồng Kông và còn lại đến từ Nhật Bản - Hàn Quốc mong muốn được mua cổ phần chi phối tại SCB.

Trong năm 2019, Tập đoàn đến từ Hồng Kông đã thể hiện thành ý thông qua việc chuyển trên 200 triệu USD vào tài khoản của SCB để chứng minh năng lực tài chính, thể hiện ý muốn sẵn sàng đóng vai trò là nhà đầu tư chiến lược giúp SCB nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ.

Đó thực sự là tin vui đối với Ngân hàng trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu tại SCB của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn theo quy định của Chính phủ.

Việc các nhà đầu nước ngoài song hành cùng SCB đồng nghĩa với việc tỷ lệ sở hữu của những cổ đông trước đây tại Ngân hàng sẽ giảm xuống. Điều này giúp minh bạch hóa về cổ đông, cấu trúc cổ đông và đặc biệt là có thêm những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo động lực giúp SCB chuyển sang một giai đoạn phát triển mới trong thập kỷ 30.

Đã bao giờ ông nghĩ tới tương lai về một tập đoàn tài chính SCB?

Nói đến tập đoàn tài chính, chúng ta sẽ nói về mô hình Holding Company bao gồm các mảng hoạt động chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khai thác tài sản...

Đây là một mô hình rất hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy định pháp luật về Holding Company (công ty mẹ) và tỷ lệ sở hữu của “mẹ” đối với các công ty “con”, ví dụ với một ngân hàng thì chưa được quy định rõ.

Do đó, việc xây dựng mô hình tập đoàn tài chính chưa phải câu chuyện được đề cập tới lúc này.

Hiện SCB có ngân hàng, có công ty bảo hiểm phi nhân thọ nên việc bán chéo sản phẩm giữa hai mảng kinh doanh rất hữu ích, nhờ đó chúng tôi vừa tăng lượng khách hàng, vừa được hưởng lợi từ tác động qua lại lẫn nhau.

Đây là một mô hình đang mang lại những kết quả tốt và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Thực tế, đây cũng là một nội dung quan trọng trong. Đề án tái cơ cấu SCB từ năm 2015, đó là tăng thu ngoài lãi trong cấu trúc thu nhập của ngân hàng.

Đối với câu chuyện bảo hiểm nhân thọ, SCB hiện có đối tác là Manulife với tốc độ tăng trưởng phí bình quân hàng năm của SCB trên 200%.

Con số này cho thấy, đây đang là mảng hoạt động rất tốt. Bảo hiểm nhân thọ là kênh bảo vệ tài chính cho người gửi tiền, giúp khách hàng đa dạng hóa kênh đầu tư nên mỗi hợp đồng bảo hiểm là một tâm huyết của SCB mang lại cho khách hàng.

Hình dung về SCB 5 năm tới, ông sẽ nói gì?

Trong 5 năm tới, SCB vận hành với slogan “SCB: Ngân hàng vì cộng đồng”. Nghĩa là, Ngân hàng không chỉ chú trọng vào chất lượng của hoạt động kinh doanh, mà còn hướng đến đóng góp tài chính cho xã hội.

Coi việc đóng góp cho xã hội vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của SCB cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng, Hội đồng quản trị, cổ đông với xã hội nhằm đóng góp cho xã hội phát triển ở mức độ cao hơn.

Nhìn lại 2019, điều gì ở SCB ông thấy hài lòng nhất?

Năm 2019, Ngân hàng đã tái cơ cấu được tư duy của một bộ phận lớn lãnh đạo cấp trung và cấp cao của SCB thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Sự thay đổi về tư duy đó có sức lan tỏa rất lớn, tạo ra sức sống mới, một không gian làm việc chuyên nghiệp, hăng say và niềm tin vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu.

Hơn thế, điều này giúp tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên khi họ đã khai thác đúng mức tiềm năng của thị trường đang phát triển và mở ra triển vọng tích cực hơn trong tương lai.

Với quyết tâm thay đổi tư duy, tôi tin, toàn bộ cán bộ nhân viên SCB sẽ vượt qua được những khó khăn của quá trình tái cơ cấu và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Hồng Dung
Báo Đầu tư Chứng khoán Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục