Kết quả hoạt động kinh doanh của SCB năm qua và cái được nhất là gì, thưa ông?
Tổng tài sản SCB đến cuối năm 2015 đạt 311.000 tỷ đồng, thuộc Top 6 của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cơ cấu bộ máy ổn định, hệ thống quản lý rủi ro từng bước củng cố rất nhiều. Đáng chú ý, SCB tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin.
Trong năm qua, SCB đã đầu tư khoảng 15 triệu USD để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu dự phòng, nâng cấp các chức năng… để tạo nền tảng cho kế hoạch kinh doanh sắp tới. Còn lợi nhuận trong năm 2015 cũng đạt chỉ tiêu đưa ra, nhưng cái được đối với SCB năm qua đó chính là trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng cho khoản nợ xấu bán cho VAMC cũng như các khoản nợ xấu, đây là một con số rất lớn.
Đối với khoản nợ bán cho VAMC giai đoạn 2013 - 2014, SCB đã trích lập dự phòng 40% trên tổng giá trị nợ bán cho VAMC. Dự phòng SCB tính chung cho các khoản nợ bán cho VAMC sẽ đạt bình quân 40% tổng dư nợ đã bán, giảm đáng kể áp lực xử lý nợ xấu và tạo điều kiện để SCB có thể thu hồi đầy đủ các khoản nợ xấu. Nhìn chung, nền tài chính của SCB đang ngày một vững chắc hơn và thương hiệu, sự tin tưởng của khách hàng đối với Ngân hàng ngày càng được cũng cố, gia tăng. Đối tác cũng quan tâm SCB nhiều hơn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn
Quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu, quỹ dự phòng rủi ro của SCB đến cuối năm 2015 ra sao, thưa ông?
Tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC là 17.000 tỷ đồng và trong năm qua xử lý được 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của SCB đến cuối năm 2015 đã về dưới 1%. Sau khi bán nợ cho VAMC, SCB đã đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi nợ xấu. Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô (tuy còn những khó khăn nhất định), nhưng về tổng thể, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, ổn định thanh khoản, ổn định chính sách của Nhà nước… sẽ tạo điều kiện cho SCB có đà phục hồi tốt.
Mục tiêu của SCB trong năm 2016 là tiếp tục đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ xấu, ở mức khoảng 2.000 tỷ đồng, tình hình xử lý nợ xấu trong năm nay cũng sẽ khả thi hơn. Quỹ dự phòng của SCB đến thời điểm này (nếu tính tổng thể) đạt 4.500 tỷ đồng.
Tổng dự phòng lớn như vậy rất có lợi thế cho SCB, tất nhiên, bán nhiều nợ xấu cho VAMC chưa hẳn là tốt, nhưng đó là giải pháp cho các ngân hàng nói chung và SCB trong giai đoạn trước mắt. Mục tiêu lâu dài của SCB là tìm mọi cách khắc phục và trích lập tối đa dự phòng rủi ro. Đó cũng chính là lý do SCB đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC, chứ không phải là mục đích chỉ đưa tỷ lệ nợ xấu xuống thấp, mà là quyết liệt xử lý nợ.
SCB có tăng thêm vốn trong năm nay và kế hoạch gọi vốn ngoại đã tới đâu, thưa ông?
Vốn điều lệ SCB trong năm qua đã tăng lên 14.500 tỷ đồng và trong năm 2016 tiếp tục tăng ít nhất là 1.500 tỷ đồng cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trong năm nay, SCB củng cố hoạt động, cân đối sổ sách, duy trì các phương án, giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản. Ngân hàng đặt trọng tâm tiếp tục củng cố, tạo đà phục hồi tốt để khi có cơ hội thích hợp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, SCB tính đến việc bán cổ phần cho nhà đầu tư.
Chiến lược của SCB trong năm 2016 là tiếp tục củng cố hoạt động, nền tảng công nghệ thông tin, từ đó đẩy mạnh bán lẻ trên cơ sở nền tảng công nghệ mà SCB đã đầu tư. Chúng tôi đã đề xuất và được chấp thuận về mặt chủ trương bán cho nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ. SCB là ngân hàng đầu tiên được chấp thuận bán với tỷ lệ này.
Nói vậy, năm nay SCB sẽ tìm được đối tác, tiêu chí trong lựa chọn đối tác ngoại là gì?
Hiện SCB đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp để hợp tác. Tuy nhiên, để hoàn thành được quy trình này cũng như các quy trình để trình duyệt lên các cơ quan, ban ngành cũng mất khá nhiều thời gian, đó là chưa kể đến việc thẩm định, ít nhất khoảng 1 năm.
Với SCB, việc cải tổ và sắp xếp lại bộ máy đã phần nào hoàn tất, nhưng để có thể đẩy mạnh tăng trưởng và trở thành một trong những ngân hàng năng động hàng đầu với một lĩnh vực nào đó thì chưa thể khẳng định trong một sớm một chiều. Đó cũng là lý do SCB tính đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để chung tay hợp tác, đưa hoạt động của Ngân hàng ngày càng tăng trưởng ổn định, quản trị rủi ro của SCB được nâng lên.
Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài không phải đến thời điểm này mà SCB từ năm trước, chúng tôi đã có sự trao đổi, tìm hiểu và Ngân hàng luôn sẵn sàng. Nhưng vấn đề này cũng còn tùy thuộc vào đối tác. Nếu gặp được đối tác nước ngoài có cùng chiến lược và hướng phát triển, SCB sẽ sẵn sàng hợp tác. Mục tiêu lựa chọn đối tác của SCB là phải đảm bảo được định hướng đem lại tốt, đúng với mục tiêu phát triển của Ngân hàng và cuối cùng mới là về giá.
Đồng thời, SCB không đặt nặng đối tác đến từ khu vực nào, mà quan trọng hơn là đối tác đó có cùng định hướng để phát triển SCB. Bởi thị trường ASEAN hiện nay đã mở nên điều cần nhất là đối tác phải có cùng định hướng mở của SCB tại thị trường kinh tế ASEAN.
Liệu trong quá trình tái cơ cấu có là điểm yếu để các nhà đầu tư nước ngoài ép giá mua cổ phiếu SCB, kể cả khi tính đến việc đầu tư chiến lược lâu dài, thưa ông?
Điều này, theo tôi là không đúng và khó có thể xảy ra. Bởi SCB đang trong quá trình tái cơ cấu là để ổn định và tăng trưởng hơn trong thời gian tới, không phải để sắp xếp lại bộ máy và quản trị rủi ro, do những vấn đề này đã được Ngân hàng cải tổ thời gian qua. Ngược lại, giai đoạn tái cơ cấu lại là một ưu tiên, vì quá trình này SCB sẽ nhận được các hỗ trợ, ưu đãi, quan tâm của Nhà nước nên cổ đông nước ngoài vào được xem là lợi thế.
Các chỉ tiêu kinh doanh 2016 được SCB trình ĐHCĐ thường niên năm nay ra sao?
Chỉ tiêu kinh doanh của SCB năm nay cũng được cân nhắc để phù hợp với diễn biến của thị trường. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng SCB năm 2016 ở mức 16-18%; còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn trong khung đưa ra, khoảng hơn 150 tỷ đồng trước thuế và lợi nhuận làm ra của SCB chủ yếu để dành trích dự phòng rủi ro.
Kết quả năm 2015 đúng với kế hoạch xây dựng ban đầu, song SCB chủ yếu dành để trích dự phòng nên chưa thể chia cổ tức. SCB chọn 2016 là năm đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Trên cơ sở đó, SCB vẫn tập trung đẩy mạnh cho vay vốn nhỏ lẻ, phân tán và tập trung hỗ trợ vốn lưu động, với các loại hàng hóa ngắn hạn, nhằm giảm dần tỷ lệ vốn cho vay trung, dài hạn cũng như tỷ trọng cho vay vào bất động sản.
Theo đề án tái cơ cấu của SCB đã được NHNN phê duyệt thì trong những năm tới, SCB vẫn giảm tỷ lệ dư nợ lĩnh vực bất động sản, với tỷ lệ cho vay khoảng 55%, còn hiện nay tỷ lệ này khoảng 77%. Tuy nhiên, trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ cho năm 2016 thì tăng trưởng tín dụng bán lẻ của SCB năm nay với mục tiêu đưa ra khoảng 30%, tỷ lệ cho vay vốn trung, dài hạn chiếm khoảng 16% trong tổng dư nợ.
Sự hấp thụ vốn của nền kinh tế trong năm nay cũng sẽ được cải thiện, thưa ông?
Việc hấp thụ vốn của nền kinh tế trong năm nay sẽ tốt hơn, nhưng do nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn nên điều cần quan tâm hơn chính là hiệu quả của việc đầu tư đó và khả năng cạnh tranh cũng phải hài hòa. Việc cải tổ của các doanh nghiệp có vốn nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp này.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành NHNN đưa ra ở mức 18-20% trong năm nay, theo tôi là phù hợp. Bởi một nền kinh tế đang hồi phục, nếu tăng trưởng thấp quá sẽ không có động lực để tăng trưởng, nhưng đặt mục tiêu tăng trưởng cao cũng sẽ có những rủi ro. Vì vậy, cần có chính sách linh hoạt, điều tiết đảm bảo tăng trưởng, nhưng không gây ra nợ xấu. Tuy nhiên, hậu quả của nợ xấu xuất phát từ doanh nghiệp, chứ không của riêng ngân hàng.
Sau hơn 3 năm SCB đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, bản thân ông đã cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng những điều gì để tiếp tục cải tổ hoạt động trong thời gian tới?
Thực ra, tôi cũng chưa thực sự hài lòng, vì còn nhiều việc phải làm phía trước. Trong thời gian tái cơ cấu vừa qua, SCB chủ yếu tập trung củng cố nội bộ, tổ chức, mô hình, quy trình và củng cố quản trị rủi ro. Trong năm nay, SCB đặt mục tiêu mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng khách hàng để khai thác tối đa nền tảng công nghệ thông tin của Ngân hàng đã đầu tư trong thời gian qua. SCB xác định dùng hệ thống công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, SCB tăng cường hoạt động trong mảng dịch vụ, bán chéo sản phẩm để gia tăng doanh thu như liên kết với các công ty bảo hiểm và bán sản phẩm bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Bảo Long khi SCB đã nắm quyền chi phối hoàn toàn tại Công ty này. Doanh thu từ Bảo Long đóng góp 630 tỷ đồng trong tổng doanh thu của SCB trong năm qua và dự kiến trong năm 2016 đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Ngân hàng.
SCB đang tăng cường đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tài chính cá nhân. Cạnh tranh về bán lẻ trong năm nay có thể nóng hơn, do các ngân hàng đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng bán lẻ ở mức 30-35%. Tuy nhiên, với một thị trường dân số lớn, nhưng số lượng người tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn ít và dịch vụ còn cơ bản… nên vẫn còn khá nhiều dư địa và cơ hội để khai thác và tăng trưởng.
Mặt khác, muốn đẩy mạnh được bán lẻ cũng cần có sự đầu tư rất bàn bản và khá bền vững nên cần phải có tiềm lực về vốn để đầu tư mới thực hiện được. Việc cạnh tranh sẽ tạo ra được dịch vụ tốt cho khách hàng, nhưng mỗi ngân hàng đều có phân khúc khách hàng của mình nên sẽ không lo ngại đến sự chồng lấn. Vì thế, SCB kỳ vọng sẽ sớm tìm được đối tác chiến lược để đẩy mạnh bán lẻ.