SCB: Phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới

(ĐTCK) Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam nói riêng, đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đã được đề cập nhiều và vấn đề người dân, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là cách phục hồi lại nhịp tăng trưởng thế nào trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Quan trọng là chọn lối đi

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, góp phần khôi phục, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong đó, đáng chú ý là nỗ lực hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm); sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay; thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng…

Dẫu vậy, tại buổi tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cảnh báo, còn có tình trạng “zombie” (xác sống) doanh nghiệp, nghĩa là những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được hỗ trợ, kéo dài tình trạng “chết lâm sàng” trước khi rút khỏi thị trường, khiến các khoản vay không đi vào đúng đối tượng.

Ông Hiếu cũng chia sẻ nghiên cứu của mình rằng, trong 10 tháng đầu năm 2021, tại Việt Nam có khoảng 8.300 doanh nghiệp thành lập và 7.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điểm đáng chú ý, trong cùng một lĩnh vực, việc số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui tương đương nhau thể hiện phương thức kinh doanh mới, sáng tạo đang thay thế cho phương thức cũ…

Theo ông Hiếu, với mục tiêu là trỗi dậy mạnh mẽ trên con đường mới nên cần thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh gắn với nhu cầu của người tiêu dùng, nhà cung cấp khi các nhu cầu này cũng đã thay đổi.

“Phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ, mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Các ngân hàng - loại hình doanh nghiệp đặc thù của nền kinh tế, cũng đang gắng gượng chuyển đổi để theo cùng nhịp đập của đất nước và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động tài chính - ngân hàng, đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy quá trình này phát triển nhanh chóng hơn. Nhiều ngân hàng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động để gia tăng tiện ích cho khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, ngành ngân hàng đã chủ động đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên kênh số. Các sản phẩm số như thanh toán bằng QR, gửi tiết kiệm online, cho vay số (vay online), định danh eYKC, tài khoản số đẹp, tài khoản theo số điện thoại… đã được nhiều ngân hàng tích cực triển khai.

Chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng đem lại nhiều kênh để tạo ra phương thức giao tiếp mới, không chỉ đem lại hiệu quả dịch vụ, mà còn đề cao trải nghiệm người dùng. Việc ứng dụng công nghệ giúp các ngân hàng có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với giá cả hợp lý đến những địa phương mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chưa có cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Hệ thống core thẻ SmartVista của BPC được thiết kế dựa trên những trải nghiệm người dùng vượt trội cùng tính linh hoạt cao.

Bước đi cầu tiến

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) sớm xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, hướng đến các mục tiêu: Tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động.

Trong cuộc đua phát triển ngân hàng số hiện nay, các ngân hàng đều có thể tiếp cận những công nghệ mới nhất. Do đó, chỉ những ngân hàng am hiểu khách hàng của mình và phát triển những dịch vụ phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại mới có thể vượt lên được. Nhận thức được điều này, SCB đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ thông tin, trong đó hệ thống quản trị dữ liệu luôn được đặt lên hàng đầu nhằm thu thập, xử lý và khai thác dữ liệu một cách an toàn, hiệu quả nhất, qua đó giúp SCB thấu hiểu và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Vừa qua, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh mở rộng thị phần và cung cấp cho khách hàng các tiện ích thanh toán tối ưu, SCB đã lựa chọn BPC là đối tác cung cấp giải pháp chuyển mạch tài chính và quản lý thẻ.

Hệ thống core thẻ SmartVista của BPC được thiết kế dựa trên những trải nghiệm người dùng vượt trội cùng tính linh hoạt cao, tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu cụ thể của SCB và khách hàng, mà không cần coding hoặc mất thêm các chi phí phát sinh.

Hệ thống này giúp cải tiến các hình thức thanh toán của SCB, bao gồm xử lý giao dịch thẻ tại ATM, POS và các trang thương mại điện tử, cũng như rút ngắn thời gian và quy trình phát hành thẻ, đồng thời có thể tích hợp nhiều tính năng trên kênh Internet Banking và Mobile Banking cho phép khách hàng chủ động thực hiện các nhu cầu quản lý thẻ. Bước tiến này giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm ngân hàng kỹ thuật số với SCB.

Bên cạnh việc triển khai các dịch vụ tiện lợi, SCB cũng sẽ triển khai các dịch vụ sử dụng thiết bị máy tự phục vụ tiên tiến như Video Teller Machine giúp khách hàng được phát hành thẻ nhanh chóng và thực hiện giao dịch ngân hàng với vài thao tác đơn giản. SCB cũng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh chấp nhận thanh toán thẻ với sự hợp tác của Visa và MasterCard trên nền tảng hệ thống SmartVista.

Chia sẻ về sự hợp tác với BPC, ông Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Vận hành và công nghệ SCB cho biết: “SCB đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thế hệ mới nhằm thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Với BPC, chúng tôi hợp tác với một đối tác có hiểu biết sâu rộng về thị trường, cung cấp một nền tảng toàn diện và có thể mở rộng, sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng”.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục