Việc Bộ Tài chính có công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về dự án Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm khiến không ít nhà đầu tư cho rằng, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh ô tô có thể bẻ lái “ăn theo” chính sách mới. Tuy nhiên, câu chuyện của Savico lại ít cho thấy khả năng đó.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định được thực hiện theo quy trình rút gọn nên sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến hết ngày 31/12/2020.
Cơ quan soạn thảo cho biết, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau dịch.
Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô, mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân.
Bên cạnh giảm lệ phí trước bạ, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và giảm 50% thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, bức tranh ngành phân phối xe hơi còn nổi lên một số thuận lợi khác.
Đơn cử, Nghị định 17/2020/NĐ-CP gỡ bỏ một số quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô giúp thông thoáng thông quan xe nhập khẩu.
Nghị định 10/2020 có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Các hãng xe công nghệ Grab, FastGo, GoViet, Be… mở rộng kinh doanh, tăng nhu cầu mua xe để chạy dịch vụ. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng phát triển trong năm 2020 (thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, hoàn tất cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối 2020)…
Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, Quyết định 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hạn chế mua sắm xe ô tô công cũng là đòn giáng mạnh tới các hãng bán xe.
Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng toàn thị trường 2020 sẽ sụt giảm hơn 15% so với dự báo trước đây. Chỉ tính riêng lượng cung dư thừa, tồn kho cuối năm 2019 ước khoảng 50.000 xe, cũng đã tương đương gần 2 tháng bán hàng.
Điều này thể hiện ngay trong kết quả kinh doanh năm 2019 của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC). Dù năm qua thị phần ô tô tiếp tục tăng, đạt 12,5% so với mức 10,9% của năm 2018 (theo VAMA), nhưng lãi trước thuế của SVC lại giảm 23%, đạt 228 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này chủ yếu diễn ra trong 6 tháng cuối năm và nặng nhất là quý IV/2019 do cạnh tranh gay gắt khiến giá bán giảm, tồn kho cao, thị trường chững lại và xe thương mại tiếp tục gặp khó khăn.
Mảng xe gắn máy còn bi đát hơn. Lợi nhuận trước thuế mảng này chỉ đạt vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ, cho dù lượng tiêu thụ xe máy giảm không mạnh, ở mức 16%, đạt 7.440 xe.
Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào hoạt động bán xe, lợi nhuận của SVC sẽ xuống dốc. SVC có thêm thu nhập từ các ngành dịch vụ khác với lãi trước thuế đạt 46,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, đến từ Trung tâm thương mại Savico MegaMall, Savico Đà Nẵng, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Melisa Center.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ bất động sản cũng đem lại mức lãi trước thuế 46,12 tỷ đồng, tăng 9% nhờ tăng giá thuê mặt bằng và tỷ lệ khai thác cải thiện.
Thực tế, nhu cầu đối với ngành phân phối ô tô con đã trong xu hướng giảm từ nửa cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận do cạnh tranh cao đã đẩy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trung gian như SVC giảm mạnh.
Ban lãnh đạo SVC nhận định, xu hướng trên chưa thể đảo ngược trong thời gian tới, bất chấp việc giảm thuế, phí.
Theo đó, SVC đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2020 với doanh thu đạt 14.800 tỷ đồng, giảm 19% và lãi sau thuế giảm 54% so với thực hiện 2019, đạt 107,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp như SVC được nhận định sẽ tiếp tục giảm do giá bán xe còn giảm thêm sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN (chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia) từ 30% về 0%, lượng xe nhập khẩu tăng mạnh với chi phí rẻ hơn.
SVC đã trải qua gia đoạn 2015-2019 có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân khá cao (18,2%/năm). Công ty nhận định, giai đoạn 2020-2025 nói chung và năm 2020 nói riêng, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mảng ô tô - xe máy sẽ giảm do kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh và sự bão hòa của thị trường đang tăng lên.
Bên cạnh thách thức chung từ thị trường, câu chuyện riêng của SVC cũng khiến nhà đầu tư e ngại liên quan đến các tranh chấp nội bộ và tranh giành quyền sở hữu Công ty.
Khối ngoại liên tục bán ra trong thời gian gần đây, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 47% (bao gồm PYN Elite Fund, Finansia Syrus Securities, Probus Opportunities, Endurance Capital Vietnam I Ltd…,) xuống chỉ còn chưa đến 5%.
Thay vào đó là một nhóm cổ đông trong nước với sở hữu 36% và đề cử ông Nguyễn Hoàng Giang - Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect, làm đại diện và tham gia HĐQT SVC.
Giá cổ phiếu SVC đã tăng 63% từ vùng tích lũy 6 tháng ở mức 40.000-43.000 đồng/CP lên 70.000 đồng/CP.
Ở mức giá hiện nay, SVC đang giao dịch tại mức P/E 2019 là 12,6 lần và P/E 2020 lên tới 27,2 lần, mức định giá rất cao so với trung bình thị trường, nên cũng dễ hiểu thanh khoản SVC đã rớt xuống mức thấp kỷ lục, chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.