Lợi nhuận quý I giảm gần 90%, thị giá cổ phiếu tăng trên 60%
Kết thúc quý đầu năm 2020, không ngoài dự báo của các chuyên viên phân tích trong bối cảnh tình hình ngành phân phối ô tô nói chung gặp nhiều khó khăn, báo cáo tài chính của SVC cho thấy, doanh thu và lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, trong quý I/2020, SVC đạt doanh thu 3.145,7 tỷ đồng, giảm 25,4%; biên lợi nhuận giảm khiến lợi nhuận gộp giảm 26,6%, còn 200,7 tỷ đồng.
Cùng với chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng, chi phí quản lý giảm không đáng kể, hoạt động kinh doanh của SVC ghi nhận mức lỗ 27 tỷ đồng.
Dù thu nhập khác tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 43,8 tỷ đồng (chủ yếu từ tiền thưởng đạt doanh số từ các nhà cung cấp, sau khi trừ chi phí thì hoạt động khác ghi nhận lãi 38,6 tỷ đồng), nhưng cũng chỉ đủ giúp SVC thoát lỗ.
Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 8,8 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 10 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2014.
Giải trình về kết quả này, lãnh đạo SVC cho biết, thị trường ô tô quý IV/2019 giảm sâu do cung vượt cầu quá lớn kéo dài qua đến quý I/2020, nhu cầu mua sắm ô tô bão hòa cộng hưởng với tác động của dịch Covid-19 dẫn đến doanh số ô tô trong quý đầu năm nay của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ, lãi gộp từ hoạt động phân phối ô tô tiếp tục suy giảm mạnh do áp lực giải phóng hàng tồn kho và cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Trong bối cảnh đó, SVC và các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mại trực tiếp (hỗ trợ lệ phí trước bạ, bảo hiểm, chi phí marketing,…) khiến chi phí bán hàng và chi phí tài chính gia tăng.
Trước đó, báo cáo tài chính quý IV/2019 của SVC cho thấy, doanh thu giảm 0,4%, nhưng lợi nhuận gộp giảm 13,6%; trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 34,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế cả năm 2019, doanh thu tăng 22,6% so với năm 2018, đạt 18.266,3 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp tăng vỏn vẹn 3,1%.
Ngược lại, chi phí tài chính, bán hàng cùng cùng chi phí quản lý tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế giảm 22,3%, còn 233,3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 153,7 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Mặc dù chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông 2020, nhưng theo thông tin từ báo cáo thường niên, trước tình hình kinh doanh dự báo khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn và dịch bệnh Covid-19 khiến SVC lên kế hoạch kinh doanh năm nay sụt giảm so với năm ngoái: doanh thu 14.762,7 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 125,3 tỷ đồng và 107,9 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2019.
Mục tiêu trên không bao gồm việc hạch toán dự án bất động sản tại số 104 Phổ Quang, Hà Nội, với dự kiến lợi nhuận 56,9 tỷ đồng. Tuy vậy, giả định dự án kịp hạch toán khoản thu nhập này trong năm 2020 thì về tổng thể, bức tranh lợi nhuận của SVC năm nay vẫn kém nhiều so với năm ngoái.
Trái ngược với triển vọng kinh doanh đi xuống, trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu SVC trong hơn 1 tháng qua liên tục bứt phá, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5/2020 tại 74.000 đồng/cổ phiếu, tăng 29,8% so với đầu tháng 5. So với thời điểm đầu quý II/2020, khi VN-Index bắt đầu hồi phục, mức tăng giá của cổ phiếu này là 60,8%.
Sự trái chiều giữa thị giá cổ phiếu và thực tế cũng như triển vọng kinh doanh của SVC khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về động lực của đợt tăng giá mạnh mẽ này.
3 hoạt động chính của SVC
SVC hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thương mại ô tô, xe máy; cung cấp dịch vụ; đầu tư bất động sản. Trong đó, thương mại ô tô, xe máy là dịch vụ kinh doanh chủ đạo khi đóng góp 91,4% cơ cấu doanh thu năm 2019; mảng dịch vụ và bất động sản chiếm tỷ trọng nhỏ, lần lượt là 7,5% và 1,1%.
Về mảng thương mại ô tô, xe máy, thông qua 53 đại lý, trong năm 2019 SVC đã tiêu thụ được 40.461 xe các loại, tăng 28% so với năm 2018 và chiếm 12,6% thị phần ô tô cả nước.
Trong đó, Toyota và Ford là 2 thương hiệu có sản lượng tiêu thụ cao nhất, lần lượt đạt 10.693 xe và 5.603 xe. Tiêu thụ xe máy đạt 7.440 xe, giảm 16% so với năm 2018.
Doanh thu lớn, nhưng biên lãi gộp mảng phân phối ô tô khá mỏng và thường xuyên biến động mạnh do phụ thuộc vào chính sách của các nhà sản xuất và tình hình cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, mức biên lãi gộp chỉ 1,9%. Năm 2018, nguồn cung ô tô hạn chế trong bối cảnh nhu cầu tăng cao giúp SVC cải thiện biên lãi gộp lên 4,5%.
Năm 2019, bối cảnh xe nhập khẩu tăng trở lại, cạnh tranh quyết liệt, giảm giá trở thành câu chuyện cạnh tranh kéo dài, khiến biên lãi gộp mảng phân phối của SVC giảm còn 3,4%, thấp hơn một số doanh nghiệp cùng ngành như Citi Auto (5,6%) hay Ô tô Hàng Xanh (3,8%).
Trong bối cảnh đó, để khai thác được lợi thế khách hàng, hoàn thiện chuỗi giá trị và khắc phục điểm yếu của hoạt động phân phối ô tô là biên lãi mỏng, kinh doanh có tính chu kỳ và phụ thuộc vào các nhà sản xuất, SVC đã đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ - phụ tùng - phụ kiện.
Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu mảng này đạt tốc độ tăng trưởng kép 55,8%. Riêng năm 2019, mảng dịch vụ đóng góp 7,5% doanh thu, nhưng biên lãi gộp đạt 26,3% đã đóng góp tới 34,3% tổng lợi nhuận gộp.
Đối với lĩnh vực bất động sản cho thuê, năm 2019, hoạt động cho thuê các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng đã đem về cho SVC 195,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,9% so với năm 2018.
Tỷ trọng trong tổng doanh thu thấp, nhưng nhờ biên lãi gộp lên đến 65,9% mà lợi nhuận gộp thu về đạt 128,9 tỷ đồng, đóng góp 12,3% tổng lợi nhuận gộp. Dù vậy, dư địa tăng trưởng của mảng này bị đánh giá là hạn chế do đang được khai thác với tỷ lệ lấp đầy cao.
Trong khi đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản không đem lại nguồn thu trong năm 2019 do các dự án bị chậm tiến độ, vướng mắc về pháp lý. Một số dự án lớn của SVC hiện nay bao gồm dự án 104 Phổ Quang, dự án Nam Cẩm Lệ, dự án Khu dân cư Long Hòa - Cần Giờ.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản hợp nhất của SVC đạt 4.728 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do biến động tăng của tài sản ngắn hạn, cụ thể là hàng tồn kho.
Giá trị hàng tồn kho cuối năm 2019 là 1.385 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm và chiếm 29,2% tổng tài sản. Điều này cho thấy khó khăn của thị trường phân phối các sản phẩm dịch vụ ngành ô tô, vốn mang mại doanh thu chủ yếu cho SVC.
Theo đó, Công ty phải tăng vay nợ để bổ sung vốn lưu động, dư nợ vay đến cuối năm 2019 là 1.934 tỷ đồng, tăng 26,3% so với đầu năm, trong đó có 83,2% là vay nợ ngắn hạn. Điều này dẫn đến chi phí tài chính, cụ thể là lãi vay tăng 52% trong năm qua, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận.
Nhiều cổ đông lớn thoái vốn
Tính đến đầu tháng 3/2020, cơ cấu cổ đông của SVC khá cô đặc, trong đó Tổng công ty Bến Thành - doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM, là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 40,81%; các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 48% bao gồm PYN Elite Fund (8,23%), Finansia Syrus Securities (12,08%), Probus Opportunities (7,7%), Tundra Fonder (5,1%), Endurance Capital Vietnam I Ltd (4,1%).
Từ đầu tháng 3, hầu hết quỹ ngoại tại SVC lần lượt thoái vốn, khiến tỷ lệ sở hữu nước ngoài đến ngày 8/5 chỉ còn hơn 8% so với mức 48% trước đó.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2020, hầu hết các quỹ ngoại kể trên lần lượt thoái vốn khỏi SVC, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đến ngày 8/5 chỉ còn hơn 8%.
Mặc dù hàng loạt cổ đông lớn rời đi, nhưng cơ cấu cổ đông của SVC đến nay chưa ghi nhận thêm cổ đông lớn mới xuất hiện.
Phải chăng, một nhóm cổ đông SVC gom vào lượng cổ phần mà các cổ đông ngoại thoái vốn và “sóng ngầm” này là nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu “nổi sóng”, bất chấp thực tế cũng như triển vọng kinh doanh kém khả quan?