Vương quốc dầu mỏ này vừa hợp tác với tập đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank để thành lập một quỹ đầu tư công nghệ trị giá đến 100 tỷ USD và có thể được xem là lớn nhất thế giới.
“Trong vòng một thập kỷ tới, quỹ này sẽ là quỹ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực công nghệ”, Masayoshi Son, CEO của Softbank tuyên bố.
Một cách nào đó, cả hai đối tác này đều cần sự hỗ trợ của nhau. Saudi Arabia muốn nền kinh tế bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Còn Softbank có tham vọng trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, trong khi kinh tế Nhật Bản đang dậm chân tại chỗ.
Saudi sẽ góp vào quỹ này 45 tỷ USD từ ngân quỹ quốc gia, Softbank đóng góp ít nhất 25 tỷ USD và một vài nhà đầu tư quy mô toàn cầu cũng đang có ý định góp vốn vào quỹ đầu tư này.
Cả Saudi Arabia và Softbank đều có những tham vọng nhất định khi đầu tư “khủng” vào lĩnh vực công nghệ.
Saudi đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào start-up công nghệ Uber tháng 6 vừa qua. Softbank cũng đã đầu tư một khoản khổng lồ 32 tỷ USD vào công ty sản xuất vi xử lý ARM Holdings của Anh Quốc và điều này làm nhiều cổ đông của công ty này không hài lòng cho lắm. Softbank cũng từng có một khoản đầu tư không thành công vào nhà mạng Sprint của Mỹ năm 2012.
Tuy nhiên, có nhiều khoản đầu tư sáng giá hơn mang về không ít thành công cho Softbank, tiêu biểu như quyết định đầu tư sớm vào công ty Alibaba của Trung Quốc. Ngoài ra, cổ đông của Softbank cũng hoan nghênh ý định lập nên quỹ đầu tư mới này, đẩy giá trị cổ phiếu của Softbank lên 3,3%.
Phó Thái tử của Saudi, Mohammed bin Salman, người đang dẫn dắt nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của quốc gia dầu mỏ này cho biết “kinh nghiệm đầu tư vững vàng” của Softbank giúp ông tự tin trong việc lập ra quỹ đầu tư khổng lồ này.
Cả hai đối tác đều không mấy chú ý đến thông tin về sự tồn tại bong bóng giá trị của start-up và cả những công ty công nghệ nổi tiếng tại Mỹ. Dòng tiền đầu tư vào các start-up tại Ấn Độ cũng đang bị siết lại.
“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghệ bằng việc đóng góp vào sự phát triển của nó”, Masayoshi Son nói.
Đầu năm nay, Saudi Arabia đã tuyên bố tham vọng lập nên một "siêu quỹ đầu tư" quốc gia khổng lồ trị giá đến 1.900 tỷ USD để đầu tư vào dầu mỏ, sản xuất, công nghệ, du lịch và khai thác khoáng sản.