Trên thực tế, vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và cũng là tâm tư được giới CEO khởi nghiệp chia sẻ nhiều nhất tại hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” vừa được tổ chức.
Dưới góc nhìn của một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc CTCP Giải pháp Phần mềm Hòa Bình - Peasoft cho biết, Công ty từng bỏ lỡ cơ hội xây dựng dự án kinh doanh sáng giá bởi không có vốn và không tìm kiếm được “nhà đầu tư thiên thần”.
“Cách đây 15 năm, chúng tôi đã xây dựng ý tưởng về phần mềm “voice chat video” trước 2 năm khi ứng dụng skype (nổi tiếng thế giới) ra đời, nhưng do không tìm được vốn để phát triển nên đã phải từ bỏ ý tưởng”, ông Bình kể. Cũng theo vị doanh nhân này, chính sách của Việt Nam hiện liên tục thay đổi và môi trường kinh doanh, các quy định pháp lý nhiều khi thiếu thống nhất, kém minh bạch nên đặt doanh nghiệp và nhà đầu tư vào nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Bình Trần, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups tại Việt Nam cho rằng, khởi nghiệp luôn mạo hiểm và rủi ro, tỷ suất thu hồi vốn là không cao, trong khi tại Việt Nam, các quỹ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chưa kể nếu thất bại thì không có hỗ trợ gì, vì vậy chưa thu hút được nhiều “nhà đầu tư thiên thần” quốc tế.
Đề cập đến khó khăn về vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang thiếu những khoản đầu tư ban đầu, “đầu tư mồi” khi startup mới hình thành ý tưởng. Các nước phát triển làm rất tốt việc này, tức nhà nước cung cấp các nguồn vốn ban đầu cho doanh nghiệp, dù chỉ vài chục ngàn USD nhưng rất quan trọng trong giai đoạn đầu để startup hiện thực hóa được ý tưởng và chuyển sang thương mại sản phẩm.
Trước thực trạng nêu trên, tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo cụ thể đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vấn đề quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất ban hành khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các startup trong việc đăng ký thành lập, hoạt động và ngừng hoạt động khi cần thiết; có cơ chế thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần; có đề án xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ…
Trả lời các vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc thu hút đầu tư quốc tế là việc công nhận sự hiện diện của các loại hình quỹ này trong luật pháp Việt Nam.
Trên thực tế, có những quan niệm sai lệch, nhầm lẫn giữa các quỹ này với các quỹ trên thị trường chứng khoán. Ông Đông khẳng định, các quỹ đầu tư mạo hiểm không được điều chỉnh bởi luật chứng khoán do không phải là quỹ có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp đại chúng. Quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ được đưa vào Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó quan điểm của Nhà nước là để thị trường tự quản lý, Nhà nước không can thiệp mà chỉ công nhận hình thức quỹ này trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Nhà nước chỉ yêu cầu điểm đến của hoạt động đầu tư, khi quỹ chứng minh được dòng tiền chảy đúng vào startup thì được công nhận là quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Về quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ, ông Đông đánh giá, đây là một ý tưởng đột phá. Tuy nhiên, do đầu tư mạo hiểm đồng nghĩa với rủi ro cao nên khó đáp ứng tiêu chí bảo toàn vốn Nhà nước trong từng dự án, mà chỉ có thể đảm bảo trên tổng thể các khoản đầu tư. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp cho quỹ này. Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ sẽ nương theo dòng vốn của các nhà đầu tư tư nhân trên thị trường, với đóng góp khoảng 30% vốn trong một dự án. Bên cạnh đó, Nhà nước không kéo dài thời gian góp vốn, mà chỉ duy trì từ 3 - 5 năm, khi startup đã ổn định hoạt động sẽ rút vốn về.