Sau TP. HCM, đến lượt Hà Nội “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần
Từ 1/9/2019, UBND TP Hà Nội thực hiện cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Theo đó, từ 1/9/2019, UBND thành phố Hà Nội thực hiện cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330ml-500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, chuyển sang các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần và các vật liệu thân thiện với môi trường;
Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan làm việc;
Phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, nhằm thay đổi thói quen nhỏ nhưng tác động lớn, Công văn cũng nêu rõ: Từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động các của cơ quan, đơn vị.
Trước Hà Nội, UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021. Từ ngày 01/8/2019, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu đến hết ngày 31/12/2020, tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilon cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm; nghiên cứu bố trí điểm thu hồi túi nilon đã qua sử dụng... Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng ăn uống... có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống...