Hà Nội trước nguy cơ “ô nhiễm trắng”

Hà Nội đang đối mặt với thảm họa “ô nhiễm trắng”, khi mỗi ngày phát sinh trên 600 tấn rác thải nhựa.
Điểm thu mua rác thải nhựa tại làng Triều Khúc (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành Điểm thu mua rác thải nhựa tại làng Triều Khúc (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành

Đường đi của rác thải nhựa

Cứ đều đặn vào 5 giờ 30 sáng và 17 giờ chiều hàng ngày, chị Hoàng Thị Hoa ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong trang phục bảo hộ lao động lại bắt đầu hành trình thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu phố, ngõ ngách thuộc địa bàn mình cư trú như rất nhiều nhân viên dọn vệ sinh khác trên khắp TP. Hà Nội.

Là công nhân dọn vệ sinh thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) từ khi mới ngoài 20 tuổi, đến nay, chị đã có trên 20 năm gắn bó với nghề này. Dù mưa hay nắng, chỉ trừ những lúc ốm đau, chị đều đặn lặp lại công việc mỗi ngày của mình một cách cẩn thận, chỉn chu nhất có thể. 

Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh 5.500 - 6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8 - 10%... và việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý số rác thải khổng lồ này là bài toán không dễ giải. Với đặc điểm ưu việt trong sản xuất và tiêu dùng, túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến.

Bên cạnh đó, việc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang túi nilon thân thiện với môi trường còn khó khăn do chênh lệch giá thành lớn. Sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Đây là lý do dẫn đến việc tuyên truyền sử dụng sản phẩm túi nilon thân thiện với môi trường lâu nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, đa số các hộ dân chưa có thói quen phân loại rác đầu nguồn, khiến việc thu gom xử lý càng gặp nhiều khó khăn. 

Theo tính toán, túi nilon cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm để phân hủy và điều đó được ví như thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Cam kết của lãnh đạo TP. Hà Nội

Theo ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên URENCO, để hạn chế rác thải nhựa đổ ra môi trường, điều đầu tiên là phải nhận diện rác, xác định chủ nguồn thải, quản lý chủ nguồn phát thải, quản lý nguồn phát sinh rác. Sau đó, cần vận động và dần bắt buộc người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tiếp đến, tách ra những loại tái chế được gồm có giấy, vỏ chai, nhựa, ni lông nhựa. Công nhân môi trường sẽ đến thu gom rác, kèm theo những thứ tái chế được thì URENCO sẽ mua, việc này công ty đang đề xuất cơ chế. Còn nếu lượng rác tái chế được có số lượng ít quá, người dân cứ vứt ra, thì người công nhân đi thu gom được. Để làm được điều này, cần tạo cho doanh nghiệp một vị trí đất để tập kết, ép lại và bán cho nơi xử lý.

TP. Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu thuộc 3 ngành chính là: nhựa kỹ thuật (với các sản phẩm là phụ tùng, linh kiện…); nhựa gia dụng (thau, cốc, tủ, giường, kệ…); nhựa bao bì dùng trong sản xuất bao bì (túi nilon PE, chai nhựa PET…).    

Việc thứ hai, Chủ tịch URENCO cho rằng, với vỏ giấy tập kết, có một đơn vị được chỉ định đến cùng với công ty thu mua lại để tái chế. Đó là bước đầu tiên trong việc quản lý nguồn phát thải và phân loại, tạo thói quen cho người dân tách đồ nhựa ra. Sau này, khi người dân đã quen, họ sẽ tách được rác là thực phẩm, những thứ không cháy được để tái sử dụng. Đây là một ý tưởng ban đầu của URENCO và UBND quận Hoàn Kiếm để chung tay bảo vệ môi trường. Sắp tới, quận Hoàn Kiếm sẽ là nơi đầu tiên nhận diện rác.

“Bước đầu là quản lý nguồn phát thải và thu hồi đồ tái chế. Khi chúng ta chưa thể ngăn chặn rác thải nhựa thì phải quản lý nó một cách tốt nhất”, ông Tuấn nói.

Mới đây, trong bài phát biểu tại “Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hướng tới phát triển bền vững, với yêu cầu phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, với phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng việc bảo vệ môi trường, thành phố cam kết thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia.

Để thực hiện cam kết này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh, Hà Nội sẽ giảm dần nguyên liệu nhựa trong sản xuất; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một  lần và túi nilon khó phân hủy.

Đặc biệt, đến ngày 31/12/2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ… Thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

“Chúng ta cần phải quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ giải quyết, phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa ngày 9/6/2019)

Thanh Nga
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục