Sau thập kỷ hoàng kim, dầu đá phiến đang trở thành “gánh nặng” của nước Mỹ

(ĐTCK) Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Lần lượt cả hai gã khổng lồ ngành năng lượng Mỹ California Resources và Chesapeake Energy đều gửi cảnh báo cho các nhà đầu tư về khả năng phá sản. Cả hai công ty đều đang sa lầy trong nợ nần và việc giá dầu chưa thể phục hồi đang không cho họ cơ hội để trả nợ.
Sau thập kỷ hoàng kim, dầu đá phiến đang trở thành “gánh nặng” của nước Mỹ

Khủng hoảng ập đến

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, báo giá dầu đã giảm gần 50% và trong tháng 4, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu WTI rơi về mức âm do sự nhu cầu trên thị trường giảm chưa từng thấy và kho chứa dầu quá tải.

Các công ty khai thác dầu mỏ ở Texas đã không giữ được bình tĩnh. Parsley Energy buộc phải đóng 150 giếng dầu, Continental Resources cắt giảm một phần ba sản lượng, còn Texland Petroleum thì ngưng hoàn toàn hoạt động sản xuất.

Cũng trong tháng Tư đen tối, Whiting Petroleum, một trong những nhà sản xuất đá phiến lớn nhất nước Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản. Theo chân là Hornbeck Offshore Services.

Nhiều nhà phân tích đã từng chỉ ra rằng, sẽ còn rất ít doanh nghiệp ngành dầu khí ở Mỹ sống sót nếu mức giá 30 USD/thùng kéo dài trong một năm. Để có lợi nhuận, các nhà sản xuất dầu đá phiến cần mức giá không 50 USD/thùng. Và với tình hình như hiện tại, Pickering Energy Partners nhận định, gần 40% các công ty dầu khí Mỹ đang đứng bên bờ vực phá sản.

Sa lầy trong nợ nần

Đầu tuần này, vào ngày 11/5, California Resources, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Mỹ, đã thông báo cho các nhà đầu tư rằng, công ty có thể cần phải tiến hành thủ tục phá sản ngay.

Cổ phiếu của California Resources đã mất 80% giá trị kể từ đầu năm. Ban lãnh đạo danh nghiệp cũng thông báo với cơ quan quản lý, họ buộc phải hoãn việc công bố báo cáo tài chính quý đầu tiên năm nay. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đặt ra những nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.

California Resources đang sa lầy vào khoản nợ khổng lồ khoảng 5 tỷ USD. Theo công ty, mặc cho những nỗ lực tái cấu trúc, việc giá dầu giảm mạnh đã không cho phép họ thực hiện bất cứ kế hoạch nào.

Chesapeake Energy, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai tại Mỹ, cũng gặp phải vấn đề tương tự. Báo cáo tài chính quý đầu tiên năm nay của công ty khiến các nhà đầu tư hoảng hốt.

Lỗ ròng của Chesapeake Energy tăng 400 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 21 triệu USD lên tới 8,3 tỷ USD.

Việc Chesapeake Energy phá sản dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Tổng nợ của Chesapeake hiện tại là 10 tỷ USD, gấp gần mười lần giá trị thị trường. Trong khi đó, giá dầu vẫn chưa thể phục hồi khiến Chesapeake Energy dường không có bất kỳ cơ hội nào để trả nợ.

“Nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp kết hợp với kế hoạch giảm các khoản vay, dự báo thanh khoản và khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính của chúng tôi trong 12 tháng tới là hoàn toàn không hề thuận lợi”, công ty gửi lời cảnh báo đến các nhà đầu tư.

Chesapeake Energy đang xem xét các phương án khác nhau để duy trì hoạt động. Chẳng hạn, họ có kế hoạch giảm 30% lượng giàn khoan khai thác, cắt giảm khoản 20% các loại chi phí và thậm chí bán tài sản.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Chesapeake Energy nhấn mạnh, không có gì đảm bảo rằng công ty sẽ có thể cơ cấu lại nợ, cải thiện tình hình tài chính hoặc hoàn thành bất kỳ kế hoạch chiến lược nào.

Khi đu ca làn sóng phá sn

Như giới phân tích cảnh báo, đây mới chỉ là khởi đầu của làn sóng phá sản sẽ sớm bao trùm ngành công nghiệp năng lượng của nước Mỹ.

"Đại dịch đã phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ, gây ra sự sụt giảm về nhu cầu mạnh mẽ chưa từng thấy trên toàn cầu. Thêm vào đó là "cuộc chiến giá cả hoành tráng" giữa Nga và Ả Rập Xê-út, cùng các khoản nợ khổng lồ trên bảng cân đối của các công ty dầu mỏ Mỹ. Trong những tháng tới, không giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ 2014 - 2016, nhiều công ty sẽ không thể sống sót", các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence dự báo.

Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, ngay cả các công ty khái thác lưu vực đá phiến Permi tương đối "rẻ" ở Tây Texas cũng cần mức giá trung bình 49 USD/thùng để sinh lợi. Fed Dallas dự báo, ở mức giá 40 USD/thùng trong vòng 1 năm, chỉ có 15% nhà sản xuất dầu đa phiến có thể tồn tại.

Trong khi đó, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhờ thỏa thuận mới của OPEC+, giá trung bình của một thùng dầu thô vào năm 2020 sẽ là 34,8 USD, và trong năm 2021 - 36,4 USD.

Phá sn s là li thoát?

Trong thập kỷ trước, cách mạng dầu đá phiến biến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dầu đá phiến đã không thể tạo ra thêm một cuộc cách mạng trên thị trường chứng khoán. Kết thúc thập kỷ hoàng kim của “dầu đá phiến”, chỉ số S&P 500 ngành năng lượng chỉ tăng 6%, thấp nhất trong số các lĩnh vực của chỉ số S&P 500 .

Các công ty trong ngành vẫn hoạt động với thua lỗ, kết quả kinh doanh không cho thấy lợi nhuận và phải liên tục vay thêm tiền.

“Trong 10 năm, số tiền mà 40 đại diện hàng đầu của ngành đá phiến đã chi ra vượt 200 tỷ USD so với số tiền họ kiếm được”, Steve Schlotterbeck, cựu Giám đốc điều hành của EQT, một trong những gã khổng lồ ngành khai thác đá phiến tại Mỹ, cho hay.

Chỉ một số ít các doanh nghiệp trong ngành chứng minh được có thể tạo ra dòng tiền tự do hoặc lợi nhuận đáng kể. Do đó, Phố Wall từng yêu cầu các công ty dầu khí “sống” trong khả năng của mình, chi tiêu ít hơn, trả nợ.

Hàng ngàn giếng đã khoan cung cấp dầu khí ít hơn dự kiến. Năm 2018, Phố Wall đầu tư vào ngành này chỉ bằng một nửa so với năm 2017.

Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs cũng từng cảnh báo, vào năm 2025, đá phiến dầu sẽ mất đi ý nghĩa kinh tế và có "tất cả các dấu hiệu cạn kiệt".

Chẳng ai muốn rót tiền vào những thứ thua lỗ, vậy nên, có thể rất nhiều cái tên sẽ sớm phải rời khỏi thị trường.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục