Sầu riêng nghịch vụ Lâm Đồng chinh phục thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc giúp cho sầu riêng của Lâm Đồng có thị trường ổn định, nâng cao giá trị kinh tế và mở ra cơ hội cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Lô sầu riêng xuất khẩu đầu tiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) gồm 4 container với sản lượng hơn 70 tấn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN) Lô sầu riêng xuất khẩu đầu tiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) gồm 4 container với sản lượng hơn 70 tấn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Sau rất nhiều năm mong chờ, những container đầu tiên của vùng sầu riêng Bảo Lâm, Di Linh (Lâm Đồng) cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Đây là niềm vui của nông dân và doanh nghiệp và cũng mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là sầu riêng nghịch vụ của Lâm Đồng.

Sầu riêng nghịch vụ trĩu quả

Thời điểm này, khi nhiều tỉnh, thành trong nước đã thu hoạch xong vụ sầu riêng thì vùng trồng sầu riêng tại huyện Bảo Lâm, Di Linh và thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) mới bắt đầu vào chính vụ.

Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt, các vườn sầu riêng của nhà vườn sai trĩu quả sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến tận tháng 11 âm lịch hàng năm.

Ông Võ Hữu Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại sản xuất Long Thủy, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm cho rằng, thu hoạch nghịch vụ là một lợi thế cực kỳ tốt cho sầu riêng Lâm Đồng bởi nhiều vùng sầu riêng trong nước và thế giới như Malaysia, Thái Lan đều không có sầu riêng để thu hoạch, sức cạnh tranh không có nên sẽ bán được giá rất tốt.

"Ngoài những container đầu tiên, công ty chúng tôi đã ký kết với các đối tác phía Trung Quốc nhưng hiện vẫn không đủ hàng để xuất cho người ta. Tôi chỉ mong người dân tiếp tục duy trì kỹ thuật canh tác, đảm bảo chất lượng trái sầu riêng để tận dụng cơ hội mà thiên nhiên đã ưu đãi cho chúng ta," ông Long phân tích.

Trong chuyến làm việc và khảo sát vùng trồng sầu riêng ở huyện Bảo Lâm mới đây, ông Daniel Yong, Tổng giám đốc Công ty Kami Food, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng hàng đầu của Malaysia nhận xét, dù kỹ thuật chăm sóc có điểm khác biệt nhưng chất lượng sầu riêng ở vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc rất ngon, không thua kém gì Malaysia.

"Tôi hy vọng sau chuyến khảo sát lần này, chúng tôi sẽ hợp tác với Công ty Long Thủy nhằm trao đổi kỹ thuật tiên tiến để có được sản phẩm sầu riêng tốt hơn nữa, giúp sầu riêng vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm này được thế giới biết đến," ông Daniel Yong cho hay.

Cơ hội lớn cho sầu riêng chính ngạch

Sau khi Nghị định thư Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thông qua, tỉnh Lâm Đồng đã có 2 cơ sở được cấp mã số đóng gói và 1 mã số vùng trồng với diện tích 150ha.

Ngày 21/9 vừa qua, 4 xe container chở 72 tấn sầu riêng đầu tiên của Lâm Đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là cột mốc đáng nhớ với người trồng sầu riêng ở địa phương này.

Ông Nguyễn Đình Chuân (Hợp tác xã trái cây xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) xúc động chia sẻ, sau bao nhiêu năm mong chờ, cuối cùng sầu riêng của nông dân cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đúng là không có gì vui mừng bằng.

Đây cũng là thành quả của người nông dân cùng song hành với chính quyền địa phương để tuân thủ các kỹ thuật trồng sầu riêng sạch, đạt quy chuẩn xuất khẩu.

Sầu riêng được phân loại kỹ càng theo tiêu chuẩn khắt khe (6 trái/thùng) trước khi được đóng thùng để xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN).
Sầu riêng được phân loại kỹ càng theo tiêu chuẩn khắt khe (6 trái/thùng) trước khi được đóng thùng để xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN).

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc giúp cho sản phẩm sầu riêng của Lâm Đồng có thị trường ổn định, nâng cao giá trị kinh tế và mở ra cơ hội cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

"Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng mã số vùng trồng và hiện đã đề xuất thêm 10 mã số vùng trồng với diện tích trên 500ha để phía Trung Quốc xét duyệt; đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng ở các vùng trồng để tăng thêm nguồn cung ứng cho thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch," ông Châu nói.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 14.000ha sầu riêng các loại; trong đó, diện tích đã cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 100.000 tấn.

Vùng trồng loại cây đăc sản này tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai (4.345ha), Di Linh (3.693ha), Bảo Lâm (2.544ha), Đạ Tẻh (1.625ha) và diện tích còn lại thuộc các địa phương khác.

Toàn tỉnh hiện có hơn 900ha sầu riêng được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 17 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sầu riêng với 411 hộ liên kết, diện tích 645,8ha, sản lượng đạt 13.810 tấn/năm.

Sự khởi đầu thành công của chuyến xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đã mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm sầu riêng cũng như các sản phẩm nông sản khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy, giữ được sự liên kết, hợp tác giữa nhà nông và các đơn vị. Từ đó nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp khác, hướng tới giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của địa phương đạt mốc 600 triệu USD vào năm 2025.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục