Sau Grab, Be, Thế giới di động “chen chân” vào mảng đi chợ giùm

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, không tụ tập động người, hàng loạt ứng dụng triển khai dịch vụ đi chợ giùm và giao tận nhà cho khách hàng. Chuỗi Bách hoá Xanh của CTCP Đầu tư Thế giới di động cũng vừa cung cấp dịch vụ này, dù muộn hơn một số đối thủ cạnh tranh khác như GrabMart, Be, Now…
Sau Grab, Be, Thế giới di động “chen chân” vào mảng đi chợ giùm

Khi nhu cầu giao hàng đến nhà tăng lên và lưu lượng khách hàng tại cửa hàng cao trong thời gian dịch bệnh, Thế giới di động đã triển khai dịch vụ “đi chợ thay cho khách hàng” từ tháng 4 để gia tăng doanh thu. 

Từ ngày 02/04/2020, Bách hoá Xanh triển khai dịch vụ "Đi chợ giùm bạn - giao hàng tận nhà" được áp dụng tại Tp.HCM (trừ Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi). 

Khi khách hàng đặt hàng trên ứng dụng, đơn hàng sẽ được phân bổ cho cửa hàng Bách hoá Xanh gần nhất và nhân viên phụ trách sẽ mua sản phẩm và sắp xếp giao hàng. 

Giá của các sản phẩm có thể thay đổi theo khối lượng cân thực tế và giá bán tại cửa hàng, do đó, chuỗi này sẽ liên hệ lại để xác nhận chính xác loại sản phẩm, khối lượng sản phẩm và giá tiền.

Sau đó, khách hàng sẽ phải trả 30.000đ tiền phí giao hàng, trước khi nhận hàng tại nhà. 

Sau Grab, Be, Thế giới di động “chen chân” vào mảng đi chợ giùm ảnh 1

Sự khác biệt giữa Bách hoá xanh online và "đi chợ thay khách hàng" do CTCP Chứng khoán SSI tổng hợp từ Thế giới di động.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia thứ 4 Grab triển khai thử nghiệm GrabMart (cụ thể tại Tp.HCM) sau Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong khi ứng dụng Be đã ra dịch vụ Be đi chợ trước đó, với hoá đơn không quá 500.000 đồng. 

Ngoài dịch vụ thử nghiệm của các ứng dụng như Grab hay Be, các chuỗi siêu thị/cửa hàng đã chủ động hệ thống và cung cấp dịch vụ tương tự, với lợi thế về lượng hàng hoá có sẵn tại kho hay hệ thống cửa hàng. 

Đơn cử, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile) đã tăng cường hệ thống, nhân lực phục vụ cho nhu cầu đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ ngày 16/03.

Số lượng khách hàng đặt hàng qua website và qua điện thoại tăng 4-5 lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, buộc Saigon Co.op phải lên kế hoạch điều phối nhân sự kênh giao hàng, đảm bảo thời gian giao hàng tận nhà từ 1-2 giờ đối với khách đặt hàng qua điện thoại và từ 24-48 giờ đối với đơn hàng mua trên trang website.

Trong thời gian dịch bệnh, các cửa hàng bách hóa không bắt buộc đóng cửa và trở thành một phần thiết yếu của các khu phố trong cả nước. Điều này góp phần giúp chuỗi Bách hoá Xanh có ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng vọt. 

Trong tháng 03/2020, số lượng hóa đơn theo tháng của Bách hoá Xanh tăng đến 5 triệu (17 triệu hóa đơn trong tháng 3/2020 so với 12 triệu hóa đơn trong tháng 2/2020), và lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng (600-800 người mua sắm hàng ngày trong tháng 3/2020 so với mức 500 người/ngày thông thường). 

Nhờ đó, doanh thu/tháng/cửa hàng đạt mức kỷ lục từ 1,53-1,62 tỷ đồng. 

Theo phân tích của CTCP chứng khoán SSI, dù Thế giới di động ra mắt dịch vụ đi chợ giùm này muộn hơn các đối thủ cạnh tranh tại Tp.HCM như GrabMart, Bee,…nhưng yếu tố cạnh tranh có thể không đáng kể vì toàn ngành đang có nhu cầu gia tăng đối với loại hình dịch vụ này trong thời gian dịch bệnh.

Dù vậy, chuỗi Bách hoá Xanh phải đối mặt 3 khó khăn lớn trong giai đoạn hiện tại.

Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu có thời gian giao hàng chậm hơn và một số nguồn hàng có thể bị gián đoạn do lệnh phong tỏa ở một số quốc gia.

Thứ hai, thiếu hàng cục bộ đối với một số loại sản phẩm FMCG do người dân tích trữ hàng.

Thứ ba, giá mua đầu vào của 50% các mặt hàng tươi sống tăng 5%-10% do nhu cầu cao.

Trong khi khoảng 200 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh của Thế giới di động buộc phải đóng cửa tạm thời đến khi có thông báo tiếp theo do ảnh hưởng của Covid-19 thì chuỗi Bách hoá Xanh được đặt kế hoạch sẽ có thêm 50-100/cửa hàng mới/tháng. 

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục