Sau giao dịch khủng, sự phân hóa bắt đầu

(ĐTCK) Hơn 400 triệu đơn vị, gần 5.500 tỷ đồng cho một phiên thực sự bùng nổ 20/2.
Sau giao dịch khủng, sự phân hóa bắt đầu

Đây sẽ được coi là một phiên kỷ lục và sẽ rất khó có một phiên như vậy trong thời gian tới. Sau phiên này, dự báo thị trường sẽ có sự phân hóa trong những tuần này với giá tăng hoặc giảm mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.

Thực ra, phiên 20/2 chẳng có gì quá lạ, bởi nhiều người cũng đã từng dự báo được điều này và câu hỏi đặt ra là nó sẽ xảy ra khi nào mà thôi. Nhưng điều mà họ không ngờ tới là con số 5.500 tỷ đồng giá trị giao dịch. Nhiều người tự hỏi, tại sao thị trường vẫn có khối lượng giao dịch lớn như vậy, ai là người đã mua vào?

Thông thường, ở những phiên “xả lũ” như vừa qua, thường có 2 đối tượng tham gia mạnh nhất. Một là những nhóm chơi cổ phiếu. Nhóm này thường tập trung vào một vài mã nhất định và họ đang giữ rất nhiều cổ phiếu với tỷ lệ đòn bẩy lớn. Điều đó tất yếu buộc họ phải vào lệnh mua để tránh sự sụp đổ. Đối tượng thứ hai là nhóm nhà đầu tư nhanh nhẹn, lựa chọn cách bán trước mua sau. Có nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án đầu tư dài hạn, họ ít quan tâm đến những phiên như vừa rồi nên có thể có những sự tận dụng nhất định theo cách này.

Nhà đầu tư cũng đang đứng trước lựa chọn khó khăn, từ người đang cầm cổ phiếu cho đến người đang giữ tiền. Thực tế thì cổ phiếu không mất đi mà nó chỉ chuyển từ tay người này sang người khác. Vị thế đang thuộc về người có tiền, nhưng bán sớm hay chạy trước “cơn lũ” chưa phải đã là thành công. Chúng ta từng chứng kiến trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư đã từng làm được điều này, họ thắng lợi, tránh được “lũ”, nhưng cuối năm vẫn lỗ. Vì thế, bước đi phía sau mới là quan trọng, làm sao để tiền tiếp tục sinh lời trên TTCK thì không phải ai cũng làm được.

Cho dù thế nào thì phiên 20/2 cũng đã tạo một dấu ấn mạnh lên đà tăng của thị trường. Sẽ rất khó để thị trường có thể tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Giai đoạn tới đây, nhiều nhóm nhà đầu tư sẽ phải tìm mọi cách để tạo sự an toàn cho tài khoản của mình, có nghĩa họ sẽ phải cân bằng lại tỷ lệ tài chính. Quá trình này thường khiến thị trường và một số mã cổ phiếu có những bước tăng, giảm rất mạnh.

Trong lịch sử, người ta thường hay gọi đó là những phiên hồi phục, và những mẫu hình 2 đỉnh sẽ lại hiện ra ở một số mã cổ phiếu nào đó. Quá trình này sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần trước khi mọi thứ trở lại cân bằng. Vì thế, những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu nên cân nhắc hạ bớt tỷ lệ những cổ phiếu đã tăng nóng, nền tảng cơ bản không tốt. Còn với những nhà đầu tư đang giữ tiền, hãy thận trọng trong việc mở vị thế mua mới.

Tuy nhiên, quyết định thế nào thực sự không phải là việc dễ dàng, nhất là với nhà đầu tư bám sàn, bám bảng, bởi khi thị trường hấp dẫn trở lại, câu chuyện “bắt dao rơi” sẽ lại xuất hiện. Những nhà đầu tư thắng lợi lớn trong giai đoạn vừa qua thường sẽ là người chủ quan nhất, và điều đó có thể dẫn đến những thất bại về sau.

Thị trường cũng đã từng nhiều lần tạo ra kỷ lục của kỷ lục, nên tâm lý nhà đầu tư cũng đã được tôi luyện nhiều. Sẽ khó có thêm những phiên bán tháo liên tiếp xảy ra. Điều đó chỉ đúng với toàn thị trường, bởi nó còn được nâng đỡ từ lực mua của khối ngoại và những cổ phiếu blue-chips đi ngang suốt giai đoạn vừa qua. Còn với từng mã thì câu chuyện giải nợ sẽ diễn ra quyết liệt và bất ngờ hơn cả, nhất là những cổ phiếu tăng nóng mà nền tảng cơ bản không tốt. Khi quá trình giải nợ hoàn thành, thị trường sẽ trở nên cân bằng và mức độ giao dịch vì thế cũng sẽ giảm đáng kể.

Chúng tôi cho rằng, tháng 3 sẽ là tháng ít biến động hơn, bởi giai đoạn này thường không có nhiều thông tin tác động.

Công ty Chứng khoán IVS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục