Thưa ông, có thông tin gì khiến thị trường bùng nổ trong ngày hôm nay (20/2)?
Thanh khoản hôm nay (20/2) đạt mức kỷ lục kể từ khi thị trường thành lập đến nay. Riêng khối lượng giao dịch trên HOSE lên đến 260 triệu cổ phiếu, lớn hơn rất nhiều so với mức 170 triệu cổ phiếu trong phiên kỷ lục gần nhất vào ngày 11/2 vừa qua. Chúng tôi vẫn theo dõi rất sát các thông tin thị trường nhưng chẳng thấy có gì đặc biệt.
Nhưng ngày 20/2, VN-Index giảm 1,22% và HNX-Index giảm 3,42%. Vì sao thị trường giảm?
Đầu ngày, thị trường đi lên, nhưg bước sang buổi chiều lại đột ngột đi xuống. Vì không có thông tin gì rõ ràng nên chúng tôi cho rằng, thị trường đi xuống chẳng qua là do các nhà đầu tư chốt lời. Chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 14,5% trong vòng một tháng rưỡi qua. Nếu các nhà đầu tư nắm cổ phiếu lâu hơn thì suất sinh lợi còn cao hơn nhiều.
Ngày mai (21/2) sẽ diễn ra Hội nghị triển khai công tác phát triển thị trường và nhiều người kỳ vọng sẽ được nghe cơ quan quản lý nói về thời điểm chính xác sẽ nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra, và vì thế nhà đầu tư thất vọng và bán ra vào hôm nay?
Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn được tham gia sâu hơn vào thị trường này, nhưng không phải vì chưa được nới room mà họ thất vọng và bán ra ồ ạt. Tôi cho rằng, thông tin kia chỉ là đồn đoán và không có cơ sở. Nới “room” có thể tạo ra cú hích, nhưng đâu phải là tất cả. Thử hỏi trên thị trường có bao nhiêu cổ phiếu hết “room”? Vinamilk (VNM) nới “room” lên 60% thì có lẽ chưa đầy một tuần sẽ đầy trở lại, tiếp theo sẽ như thế nào? Chúng tôi cho rằng, không có tổ chức nào xây dựng danh mục của mình xung quanh những cổ phiếu đã hết “room”.
Với diễn biến giao dịch hôm nay (20/2), theo ông, thị trường ngày mai (21/2) sẽ như thế nào?
Thị trường tăng hay giảm mà khối lượng giao dịch lớn luôn cho thấy xung lực thị trường đang rất tốt. Cụ thể, đối với phiên giao dịch ngày 20/2, khối lượng giao dịch lớn chứng tỏ có người muốn chốt lời bán ra nhưng cũng có người khác nhìn thấy cơ hội và sẵn sàng mua vào. Chúng tôi cho rằng, đây là tín hiệu tích cực và không có gì lo ngại. Biết đâu thị trường ngày mai (21/2) sẽ tăng trở lại.
Khối lượng giao dịch lớn chứng tỏ có người muốn chốt lời bán ra, nhưng cũng có người khác nhìn thấy cơ hội và sẵn sàng mua vào.
KHỐI LƯỢNG GIAO DỊCH ĐẠT KỶ LỤC TRÊN SÀN HOSE Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2/2014, thanh khoản trên sàn HOSE đã xác lập kỷ lục mới về khối lượng giao dịch trong một ngày kể từ khi mở cửa thị trường với 259.679.130 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng, tương đương giá trị 4.031,64 tỷ đồng. Thống kê số liệu trong năm 2013 cho thấy, khối lượng giao dịch bình quân ngày đạt 64,48 triệu chứng khoán với tổng giá trị 1.060 tỷ đồng. Sang năm 2014, tính từ phiên giao dịch ngày 2/1/2014 đến ngày 19/2/2014, khối lượng giao dịch bình quân ngày trên HOSE đạt khoảng 106,977 triệu chứng khoán với giá trị giao dịch khoảng 1.786 tỷ đồng. Như vậy kỷ lục giao dịch này là một mốc son mới về tính thanh khoản khi khối lượng và giá trị giao dịch trong ngày gấp 4 lần so với khối lượng giao dịch bình quân năm 2013. |