Sau gáo nước lạnh, ông Trump lại làm giới đầu tư ấm lòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa tăng điểm vào phiên ngày thứ Tư (7/10) sau khi giới đầu tư lấy lại hy vọng về gói viện trợ kinh tế bổ sung.
Sau gáo nước lạnh, ông Trump lại làm giới đầu tư ấm lòng

Hơn một giờ trước khi thị trường đóng cửa hôm thứ Ba (6/10), Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải một dòng tweet cáo buộc phe Dân chủ tại Quốc hội đang đàm phán thiếu thiện chí và tuyên bố, ông quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới cho đến sau cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, vài giờ sau khi thị trường đóng cửa lao dốc, trong một loạt tweet khác, nhà lãnh đạo Mỹ lại thúc giục Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật bổ sung chi 25 tỷ USD giúp đỡ các hãng hàng không, 135 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cung cấp các khoản hỗ trợ 1.200 USD/người Mỹ. “Tôi sẵn sàng ký nó ngay bây giờ”, ông Trump viết.

Những dòng tweet vào buổi tối muộn và liên tiếp được đăng trong vòng hai giờ của ông chủ Nhà Trắng là động lực chính thúc đẩy chứng khoán Mỹ trong phiên đêm qua, nhưng các nhà phân tích nhận định, con đường dẫn đến đợt kích thích tài chính bổ sung này vẫn chưa rõ ràng.

Sáng ngày thứ Tư, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã có một cuộc thảo luận ngắn với những nỗ lực để tìm được tiếng nói chúng. Bà Pelosi mặc dù chỉ trích ông Trump vì đã rút khỏi các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế toàn diện, song bà cho biết sẵn sàng cứu trợ các hãng hàng không.

Trả lời phỏng vấn kênh ABC, Chủ tịch Hạ viện tuyên bố, những dòng tweet mới của ông Trump là nỗ lực vớt vát sau "một sai lầm khủng khiếp". “Tất cả những gì ông ấy muốn trong cuộc đàm phán là gửi một tấm séc có in tên của ông ấy trên đó”, bà Pelosi nói.

Cùng ngày, biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố cho thấy, các quan chức cấp cao của Fed nhận định, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng gói kích thích mới cần được tung tra trước cuối năm nay. Nếu không có thêm nguồn tiền, quá trình phục hồi sẽ chậm hơn.

Với việc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra, tiêu điểm vào cuối ngày thứ Tư sẽ chuyển sang cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris.

Cổ phiếu công nghệ cũng là tâm điểm chú ý vào thứ Tư sau khi Tiểu ban Luật Hành chính, Thương mại và Chống độc quyền thuộc Hạ viện công bố báo cáo quan trọng về hoạt động kinh doanh của 4 “kẻ tung hoành” trong lĩnh vực này là Amazon.com, Apple, Facebook và công ty mẹ của Google - Alphabet.

Báo cáo kết luận rằng, 4 tên tuổi công nghệ lớn nhất nước Mỹ đang nắm vị thế độc quyền quá lớn và một số mảng kinh doanh của họ phải tách ra. Chẳng hạn, Tiểu ban muốn Google thoái vốn và không kiểm soát YouTube, hoặc Facebook thoái vốn và ngừng vận hành Instagram và WhatsApp. Ngoài ra, 4 tập đoàn này phải tự chứng minh vụ mua lại một công ty khác không gây hại đến cạnh tranh, chứ không đợi cơ quan chống độc quyền điều tra như hiện tại.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones tăng 530,70 điểm (+1,91%), lên 28.303,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,50 điểm (+1,74%), lên 3.419,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 210,00 điểm (+1,88%) lên 11.364,60 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm điểm nhẹ, chấm dứt đà tăng 4 phiên liên tiếp, không tham gia vào đà phục hồi của chứng khoán toàn cầu sau đợt bán tháo từ những nghi ngờ về gói kích thích tại Mỹ. Dẫn dầu đà bán tháo là nhóm cổ phiếu y tế, viễn thông, truyền thông và bất động sản.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,69 điểm (-0,06%), xuống 5.946,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,55 điểm (+0,17%), lên 12.928,57 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 12,34 điểm (-0,27%), lên 4.882,00 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch ảm đạm. Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, khi giới đầu tư thận trọng dõi theo sự phục hồi kinh tế, sau khi Tổng thống Trump tạm dừng các cuộc đàm phán về một gói kích thích bổ sung cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch dịp Quốc Khánh.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 10,91 điểm (-0,05%), xuống 23.422,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 262,21 điểm (+1,09%), lên 24.242,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,04 điểm (+0,89%), lên 2.386,94 điểm.

Giá vàng tăng nhẹ trong bối cạnh thị trường ngoại hối ổn định hơn. Giá vàng đang chịu áp lực mạnh sau khi ông Trump kêu gọi chấm dứt thảo luận về gói kích thích kinh tế mới. Trong ngắn hạn, vàng chịu áp lực giảm giá trước thời điểm bầu cử Mỹ do kim loại quý này có thể bị bán tháo để bù lỗ cho chứng khoán trong bối cảnh các thị trường chứng khoán được dự báo sẽ diễn xấu trong vài tuần tới.

Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay tăng 10,50 USD (+0,56%) lên 1.886,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,10 USD (+0,48 %), lên 1.890,80 USD/ounce.

Giá dầu giảm trong bối cảnh những tin tức biến động về gói kích thích kinh tế bổ sung đè nặng tâm lý thị trương. Trong khi đó, tồn kho dầu thô của Mỹ lại tăng trong tuần gần đây nhất. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tồn kho dầu thô tăng 501.000 thùng trong tuần trước, tăng nhiều hơn nhiều so với mức tăng dự kiến trước đó là 294.000 thùng.

Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,72 USD (-1,80%), xuống 39,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,66 USD (-1,60%), xuống 41,99 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục