“Sau dệt may, có thể đến da giày, đồ gỗ... bị mất vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Chúng ta đã sẵn sàng, đã chuẩn bị, bây giờ phải tham gia ngay vào cuộc cạnh tranh mới trong hoạt động xuất khẩu”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) phát biểu.
Cảm giác của ông thế nào khi Bangladesh chiếm ngôi vị “á quân” trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam?
Ngay từ năm 2021, VEPR đã nghiên cứu về các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực mà Việt Nam có lợi thế, trong đó có dệt may, da giày, đồ gỗ và dự báo việc chúng ta có thể mất vị thế dẫn đầu về xuất khẩu các mặt hàng này. Lý do là, sau đại dịch, xu hướng đầu tư nước ngoài, hoạt động ngoại thương toàn cầu và xu hướng tiêu dùng ở những nền kinh tế phát triển đã có sự thay đổi nhanh chóng.
Theo đó, người tiêu dùng không còn quá chú trọng đến yếu tố “ngon - bổ - rẻ”, mà yêu cầu quá trình sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon... Các chính phủ cũng đặt ra nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn về sản xuất, buộc doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải đáp ứng. Với những nền kinh tế phát triển, những yêu cầu, tiêu chuẩn này không khó, nhưng với nền kinh tế mới bắt đầu vào giai đoạn phát triển như Việt Nam thì là thách thức rất lớn.
Sau khi ngôi vị “á quân” trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam bị Bangladesh giành lấy, có thể ngôi vị thứ 3 trong xuất khẩu hàng dệt may, vị thế xuất khẩu hàng da giày, đồ gỗ và nhiều ngành gia công thâm dụng lao động khác của Việt Nam cũng không còn giữ được nếu doanh nghiệp không đáp ứng được đòi hỏi về sản xuất của nước nhập khẩu.
Những quốc gia cạnh tranh trực diện với Việt Nam về xuất khẩu các mặt hàng trên như Bangladesh, Indonesia, Philippines, Pakistan, Ấn Độ... cũng gặp khó khăn trong chuyển đổi mô hình sản xuất mới như Việt Nam?
Hiện tại, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ đứng ở vị trí thứ 4, thứ 5 và thứ 6 trong các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, 3 mặt hàng này xuất khẩu 37,496 tỷ USD, 23,932 tỷ USD và 15,857 tỷ USD; tăng tương ứng 14,5%, 34,8% và hơn 7%.
Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm nay, các mặt hàng trên mới xuất khẩu được 28,961 tỷ USD; 17,360 tỷ USD và 11,487 tỷ USD; giảm tương ứng 12,7%, 17,7% và 18,4%. Sự sụt giảm này có một phần là thương mại thế giới với các mặt hàng này suy giảm, nhưng quan trọng hơn là chúng ta đã bị các đối thủ chiếm lĩnh thị phần.
Ngay cả trong trường hợp các đối thủ xuất khẩu như doanh nghiệp của Banladesh, Indonesia, Philippines, Pakistan, Ấn Độ... chưa đổi mới quy trình sản xuất để đáp ứng tất cả đòi hỏi của nước nhập khẩu về sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, thân thiện với môi trường như doanh nghiệp Việt Nam, thì họ cũng có lợi thế hơn khi chi phí sản xuất rẻ hơn.
Nhưng thưa ông, Việt Nam có lợi thế mà các đối thủ không có được là đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do?
Chúng ta có lợi thế, nhưng chưa khai thác được bao nhiêu, vì nguyên liệu để sản xuất ra hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ những nước không nằm trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đơn cử, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhập nguyên liệu từ Trung Quốc hay Ấn Độ để sản xuất hàng xuất khẩu sang EU hay trong khu vực CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thì không được hưởng ưu đãi về thuế quan vì không đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để giữ vững thị trường truyền thống?
Chúng ta không thể cạnh tranh bằng lương nhân công giá rẻ, nên phải cạnh tranh bằng cách đáp ứng quy trình sản xuất của nhà nhập khẩu, như giảm phát thải carbon, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các yêu cầu về lao động, bảo vệ người lao động, an toàn vệ sinh lao động, xuất xứ hàng hóa...
Để thực hiện điều đó, một ngành hàng hàng, khu công nghiệp, khu chế xuất không thể làm được, mà là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Riêng các yếu tố liên quan đến môi trường - ngày càng được các nước nhập khẩu đặt ra khắt khe hơn, rất mừng là Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách để thực hiện Net Zero vì đây là “tấm thẻ bài” để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu - một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đã qua thời kỳ thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, đã đến lúc “nhường sân” xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ cho nước khác để tập trung vào các mặt hàng công nghệ cao như chip bán dẫn. Ông có nghĩ vậy không?
Đây là hướng đi đúng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài, không còn quá quan tâm đến những ngành có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, chủ yếu là làm thuê (gia công)..., mà đặt mục tiêu thu hút những doanh nghiệp sản xuất điện tử, quang học, máy tính, điện thoại... và đặc biệt là chip bán dẫn - lĩnh vực đang và tiếp tục rất “hot” trong tương lai gần, vì con người càng ngày càng phụ thuộc vào chip bán dẫn.
Thực tế, đã có hàng loạt hoạt động mời gọi đầu tư, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn đến Việt Nam. Trong đó, sự kiện đang gây nóng trên truyền thông là ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới) đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Qua truyền thông, tôi được biết, ông Jensen Huang đã cam kết với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các quan chức Việt Nam là sẽ thành lập cứ điểm sản xuất chip bán dẫn của Nvidia tại Việt Nam.
Cơ hội đã mở ra, mong rằng chúng ta tận dụng được. Nếu chúng ta tận dụng được cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất hàng công nghệ cao, chip bán dẫn..., thì cũng không ngại khi thứ tự xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ rơi vào tay các đối thủ khác.