Theo HĐQT, năm 2019 có nhiều biến động khó lường, ngành kinh doanh vận tải gặp nhiều bất lợi về giá xăng dầu và giá cước, do đó, PJT sẽ tiến tới tăng chi phí đầu tư đổi mới công nghệ và đầu tư tàu mới để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Về lâu dài, HĐQT cho biết, sẽ tiếp tục duy trì 3 lĩnh vực chính là vận tải – thương mại và dịch vụ sửa chữa, đóng tàu.
Giai đoạn 2019-2021, doanh thu sản lượng ước tăng 10-15%/năm, vốn điều lệ tăng lên 200-250 tỷ đồng. PJT sẽ đầu tư tàu mới và tái cấu trúc công ty PSC (công ty con) với tổng mức đầu tư là 250-300 tỷ đồng.
Lý giải về việc đặt kế hoạch lợi nhuận là giảm 12% trong năm 2019 trong khi doanh thu chỉ giảm nhẹ, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT PJT cho biết, thứ nhất là về hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang chưa ổn định có tác động rất lớn đến sản phẩm dầu đầu ra kéo theo hoạt động của vận tải của PJT, cũng như các công ty vận tải khác. Nếu ổn định về nguồn hàng nhất định, sản lượng tốt, thì chi phí 2 đầu cảng sẽ vẫn cố định trong khi quãng đường di chuyển của PJT lại ngắn hơn làm tăng chi phí.
Thứ hai là việc đầu tư tàu mới không có nghĩa là sản lượng sẽ tăng mạnh bởi song song với việc đưa tàu 2.000T vào hoạt động, ban lãnh đạo PJT sẽ tính toán đến việc thanh lý 2 tàu sông 1.200T và 900T.
Hiện PJT có 7 tàu nhưng có con trên 30 tuổi. Trong khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đòi hỏi tàu chở phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích của việc đầu tư tàu mới là để thay thế những tàu đã già cũ và không được thị trường chấp nhận, giúp gia tăng trọng tải đội tàu ở mức hợp lý.
Ông Khoa cho biết thêm, để thuận lợi hơn trong việc vay vốn đầu tư tàu mới phải trích lập quỹ đầu tư phát triển, PJT sẽ duy trì mức chia cổ tức tỷ lệ 15%.
Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng không vì đặt kế hoạch thận trọng mà mức giá cổ phiếu giảm vì PJT sẽ xây dựng phương án phát hành trong thời gian sắp tới.
Đại hội cũng đã thông qua việc đầu tư 1 tàu biển chở dầu trọng tải dưới 10.000 DWT, với giá trị đầu tư là dưới 9 triệu USD, trong đó 20% là vốn chủ sở hữu là 80% là vốn vay.