Kể từ khi cử tri Anh quyết định bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), đồng CNY đã mất 1,3% giá trị so với đồng USD. Con số này có vẻ không đáng kể so với việc đồng GBP mất 12% giá trị kể từ cuộc trưng cầu dân ý rời EU, nhưng nó góp phần làm nên mức sụt giá theo quý lớn nhất của đồng CNY so với đồng USD, giảm gần 3% trong 3 tháng tính tới ngày 30/6.
Đồng CNY được giao dịch ở mức 6,678 đổi 1 USD vào ngày 6/7, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2010.
Trong khi đó, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác sau khi Anh bỏ phiếu rời EU vào ngày 23/6, do nhà đầu tư đổ tiền vào các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Điều này làm Trung Quốc có cái cớ để phá giá đồng CNY nhanh hơn bình thường, Brian Jackson - Kinh tế gia cấp cao về Trung Quốc của công ty nghiên cứu IHS cho biết.
"Họ có thể nói, đây không phải lỗi của chúng tôi vì đồng USD quá mạnh. Đồng USD là một tài sản trú ẩn an toàn", ông nói.
Nhưng Trung Quốc có nhiều mối lo hơn là đồng USD. Năm 2015, Bắc Kinh cho biết họ sẽ bắt đầu định giá đồng CNY dựa trên các đồng tiền mạnh, bao gồm đồng GBP và EUR. Cả hai đồng tiền trên đều sụt giá thê thảm sau Brexit, khiến cho đồng CNY lao dốc theo.
Điều này đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Và việc đồng CNY tăng giá sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn trở nên kém cạnh tranh hơn.
Nhưng mối lo lớn hơn với Trung Quốc là sự lao dốc đột ngột của đồng CNY. Điều này đã xảy ra trong tháng 8/2015 và tháng 1/2016, khiến cho thị trường phải nhiều phen hoảng loạn. Các nhà đầu tư sau đó đã lấy lại bình tĩnh, nhưng việc giá đồng CNY rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm đã khiến vấn đề này được đặc biệt quan tâm.
"Nếu điều này tiếp diễn, thị trường toàn cầu sẽ lại trở nên hỗn loạn", Mark Williams - chuyên gia phân tích của Capital Economics nói. Ông cho biết tỷ giá là vấn đề lớn nhất trong ngắn hạn của Trung Quốc.
Một đợt lao dốc mới của đồng CNY sẽ làm chao đảo thị trường toàn cầu, vốn đang gặp khó khăn do tác động của Brexit. Điều này có thể gây ra cơn bão chính trị mới ở Mỹ, nơi ứng viên tổng thống Donald Trump đang buộc tội Bắc Kinh thao túng tiền tệ để giành lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.
Và dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc sẽ bùng phát trở lại khi nhà đầu tư tìm nơi khác để trú ẩn. Năm 2015, ước tính 1 nghìn tỷ USD đã "tháo chạy" khỏi Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phải dựa vào nguồn dự trữ ngoại tệ lớn của mình để giảm bớt áp lực lên đồng CNY. Nước này đã phải tiêu tốn đến hàng trăm tỷ USD trong năm 2015 để giữ giá đồng CNY.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn còn hơn 3 nghìn tỷ USD, nhưng nếu dòng vốn tháo chạy tiếp tục tăng tốc, các chuyên gia cho rằng nguồn dự trữ này sẽ nhanh chóng bị hao mòn.