Sau bão số 10, đến lượt các DN bảo hiểm vào cuộc

(ĐTCK) Ngay sau khi bão số 10 tan, các DN bảo hiểm nhanh chóng thực hiện các công việc giám định, thu thập hồ sơ phục vụ cho công tác giám định và bồi thường tổn thất.
Sau bão số 10, đến lượt các DN bảo hiểm vào cuộc

>> MIC ước chi gần 1,3 tỷ đồng bồi thường từ bão số 10

>> BIC bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 10

>> Bảo hiểm PJICO phản ứng nhanh trước và sau bão số 10   

Cơn bão số 10 (tên quốc tế là bão Wutip) tính đến nay ước gây ra thiệt hại lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Liên quan đến các DN bảo hiểm, Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã ra công văn đề nghị các DN này phối hợp khắc phục hậu quả của bão, trong đó có báo cáo về mức độ tổn thất cũng như các thông tin liên quan đến tái bảo hiểm.

Sau bão số 10, đến lượt các DN bảo hiểm vào cuộc ảnh 1

Tháp truyển thanh Đồng Hới bị bão số 10 quật đổ

Ước bồi thường không quá cao

Tính đến thời điểm này, một số DN bảo hiểm đã tổng hợp xong số liệu tổn thất sơ bộ. Một số khác chưa tổng hợp xong với lý do là cơn bão quá mạnh và sau bão các cơn mưa lớn tiếp tục gây lũ, lụt nhiều nơi, mất điện và giao thông liên lạc, nên nhiều công trình xây dựng, nhà máy ở một số vùng bị cô lập vẫn chưa tiếp cận được.

Các tổn thất được bảo hiểm dù đang trong quá trình thống kê, nhưng theo khảo sát của ĐTCK tại một số DN bảo hiểm lớn thì con số tổn thất tính đến thời điểm này không quá cao. Có DN chỉ ước tổn thất trên dưới 1 tỷ đồng như MIC (1,3 tỷ đồng). Các thiệt hại chủ yếu liên quan đến tài sản, nhà máy, công trình xây dựng dân dụng, hàng hóa, tàu biển và các phương tiện giao thông.

Là DN đứng đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tổng số tiền ước bồi thường bảo hiểm khoảng 22 tỷ đồng, với tổng số vụ thiệt hại phát sinh khoảng 100 vụ.

Hơn 15,9 tỷ đồng là số tiền ước thiệt hại tính đến thời điểm này của Tổng CTCP Bảo Minh, với số vụ là 28. Bảo Minh cho biết, trong các vụ mà Công ty đã bảo hiểm chỉ có thiệt hại về tài sản, không có tổn thất về người.

PJICO thì cho biết, tính đến hết ngày 7/10, ước tổn thất 23 tỷ đồng, ở 4 nghiệp vụ là tài sản kỹ thuật, xe cơ giới, hàng hóa, tàu thủy, trong đó tài sản kỹ thuật thiệt hại nhiều nhất (20 tỷ đồng).

Các DN bảo hiểm PVI, PTI và BIC vẫn đang trong quá trình tập hợp số liệu từ các đơn vị thành viên.

Liên quan đến tỷ lệ tái bảo hiểm, một số DN bảo hiểm cho biết, do đặc thù nghiệp vụ, nên một số nghiệp vụ như hàng hải và xe cơ giới đến nay vẫn chưa tính được mức độ tổn thất theo đúng tình hình thực tế và cũng khiến các nhà bảo hiểm chưa thể tính được tỷ lệ tái bảo hiểm. Tại Bảo hiểm Bảo Minh, trong 15,9 tỷ đồng ước bồi thường từ nghiệp vụ tài sản kỹ thuật thì tỷ lệ bảo hiểm giữ lại là 4,1 tỷ đồng.

 

Phối hợp khắc phục tổn thất

Ngay sau khi bão tan, các DN cho biết đã phối hợp với các khách hàng tham gia bảo hiểm để đánh giá mức độ tổn thất cũng như thực hiện các biện pháp nhằm đề phòng, hạn chế tổn thất phát sinh thêm, nhanh chóng thực hiện các công việc giám định, thu thập hồ sơ phục vụ cho công tác giám định và bồi thường tổn thất.

Bảo Minh đã điều động bộ phận nhân sự xử lý bồi thường tiếp cận các khu vực bị lũ, nước sông/suối dâng cao ngay khi có thể và cùng khách hàng thực hiện việc ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thất, chỉ định các công ty giám định và tính toán tổn thất để nhanh chóng xác định được mức độ tổn thất, hướng khắc phục sửa chữa, phân loại các tổn thất nhỏ để có thể bồi thường nhanh, các khách hàng tổn thất lớn sẽ xem xét việc tạm ứng một phần tài chính để giúp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng có DN, như PJICO, đã bắt tay vào giải quyết bồi thường bảo hiểm cho khách hàng. Cụ thể, trong tổng số 25 vụ (ước tổn thất 340 triệu đồng) tại địa bàn từ Nghệ An đến Quảng Bình, PJICO đã giải quyết bồi thường xong cho các chủ xe (02 vụ) tại Hà Tĩnh, các đơn vị còn lại đang hoàn thiện hồ sơ. Với vụ rơi container chở hàng xuống biển (ước tổn thất 62.000 USD), DN đang hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ bồi thường.

BIC cũng vừa đến thăm và trao số tiền bảo hiểm trị giá 20 triệu đồng cho gia đình anh Lê Thanh Nghị, khách hàng bị tử vong trong vụ đổ Tháp truyền thanh Đồng Hới do cơn bão Wutip gây ra.

Không chỉ nỗ lực trong việc phối hợp khắc phục tổn thất (trong đó có bồi thường bảo hiểm), các DN bảo hiểm cũng đang thể hiện trách nhiệm cộng đồng khi chung tay chia sẻ với người dân vùng lũ. Đơn cử, Tập đoàn Bảo Việt, trong các ngày 6 - 10/10/2013, đã ủng hộ tận tay hơn 500 triệu đồng cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.     

Kim Lan
Kim Lan

Tin cùng chuyên mục