Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành phải vào cuộc quyết liệt
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, thông qua Kỳ họp này, nhiều vấn đề thực tiễn đã được xem xét quyết định như chính sách miễn giảm thuế VAT 2%, việc Quốc hội quyết tâm nghiên cứu đề ra giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn; việc thông qua các dự án luật quan trọng như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM...
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định trả lời báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội chiều 24/6 (Ảnh: M.M) |
"Đây là những quyết sách nhằm tháo gỡ những khó khăn mà trước đây chúng ta coi là những "điểm nghẽn" làm kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội", đại biểu nêu.
Vị đại biểu cho rằng, đó là những quyết sách được ban hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn và bàn bạc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, sau khi ấn nút thông qua quyết sách, việc quan trọng nhất mà đại biểu Quốc hội quan tâm là tới đây sự vào cuộc để thực thi chính sách sẽ như thế nào.
"Gánh nặng này đặt lên vai Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành. Tôi mong muốn trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta đã nhìn nhận khách quan, cầu thị để đề ra các quyết sách như vậy thì cần quyết liệt thực hiện, không chỉ quyết liệt bằng tinh thần mà cần có phương pháp khoa học để áp dụng một cách hiệu quả", bà Hạnh nói.
Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho hay, tại các phiên thảo luận trên nghị trường, đặc biệt trong các phiên chất vấn, hàng trăm đại biểu đã bấm nút tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn về những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) |
Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã biến động rất lớn. Đối với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại và bước sang quý I/2023 tăng trưởng thấp so với kỳ vọng.
Đại biểu kỳ vọng, mặc dù Chính phủ đã có những quyết tâm và hành động rất quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Chúng ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); tiêu dùng và xuất khẩu.
Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm rất nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của Việt Nam trên 700.000 tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế.
Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm khi đơn hàng giảm do thị trường xuất khẩu thế giới bị suy giảm.
Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế.
"Chúng ta cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa", ông Ngân nói.
Tư lệnh ngành cần đề cao trách nhiệm, tránh hứa suông, hứa hão
Bày tỏ nguyện vọng sau kỳ họp, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) quan tâm đến công tác giám sát của Quốc hội đối với lời hứa trên nghị trường.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) |
Cho rằng, kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV mang tính chất song hành với hoạt động điều hành rất trực tiếp, tuy không làm thay cho thanh tra, điều tra nhưng đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất hoạt động giám sát của Quốc hội là chỉ ra được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý về mặt chính sách, xử lý về mặt trách nhiệm.
Có một điều đại biểu đoàn Đồng Nai trăn trở là những nghị quyết giám sát về chất vấn, đánh giá về trách nhiệm chưa đúng với kỳ vọng. Do đó, ông mong muốn chỉ rõ thêm phần trách nhiệm đúng với chỉ đạo của Đảng là phải làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
"Tôi cho rằng, việc này cần phải làm đậm nét hơn trong hoạt động giám sát”, ông An nói.
Đặc biệt, theo vị đại biểu, các bộ trưởng, trưởng ngành qua hoạt động chất vấn, giám sát phải ý thức được trách nhiệm của mình.
Nếu không làm được nên đứng sang một bên. Bởi, nhận thức được vấn đề, xác định được tồn tại hạn chế nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm sẽ làm vật cản, cản trở tiến trình phát triển. Quan điểm đưa ra là trách nhiệm phải được đề cao, giải quyết được công việc hiệu quả.
Ông An cũng cho rằng đối với Quốc hội trong hoạt động chất vấn tuyệt đối không để tình trạng "hứa suông, hứa hão mà không làm”.
“Với nội dung các Bộ trưởng đã hứa, ghi trong Nghị quyết mà các kỳ họp sau kiểm điểm lại nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì Quốc hội phải có ý kiến. Các ĐBQH chúng tôi sẽ tiếp tục bám nắm những nội dung này”, vị đại biểu nói.
Ấn nút thông qua luật rồi, nhưng quan trọng vẫn là văn bản dưới luật
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), cho rằng Luật đã ấn nút thông qua rồi nhưng không có nghĩa rằng nó có thể thay đổi được tất cả vấn đề, bởi vì luật vẫn phải sửa theo hướng chung chung, an toàn, có tính chất định hình cái khung.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) |
Vấn đề quan trọng là các văn bản dưới luật, là những nghị định, thông tư hướng dẫn luật sẽ được ban hành sau đó, đó mới là yếu tố tác động lớn nhất đến quá trình thực thi.
"Luật chỉ là cái khung, lựa chọn thế nào chính là quy định của các bộ ngành liên quan", đại biểu nói.
Lấy ví dụ Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu đoàn TP.HCM nói rằng, trên thực tế ở các đơn vị người ta quan tâm nhiều đến nghị định, thông tư chứ không phải luật.
Nêu dẫn chứng, đại biểu cho hay, trong thời gian vừa qua phải nói rằng chính các bộ cũng tự làm khó cho mình. Bộ Y tế xây dựng những thông tư áp dụng vào là thấy bất hợp lý luôn, không thể nào làm được, sau đó đã phải bãi bỏ những thông tư đó.
Bà Lan hy vọng thông tư mới được xây dựng trên cái nền của Luật Đấu thầu (sửa đổi) này sẽ có sự tháo gỡ. Nếu chúng ta cẩn thận quá mức thì thành ra không làm gì cả không mua gì được, các công ty muốn đấu thầu không thể tham dự được.
"Tôi nghĩ vấn đề thuộc về đạo đức và kiểm soát như thế nào chứ còn đã là đấu thầu thì không thể xây dựng được đạo luật mà lấp được 100% các kẽ hở. Bản chất của đấu thầu sẽ có giai đoạn trong bóng tối, ví dụ giai đoạn túi hồ sơ giai đoạn 1, giai đoạn 2... không ai biết nó thế nào...
Vấn đề là không nên nghĩ phòng bị ngay từ Luật nhưng phải tính toán làm sao để từ cơ chế ban đầu người ta không cần vi phạm và không thể vi phạm thì hay hơn", đại biểu nhấn mạnh.