DCM có vốn điều lệ 5.390 tỷ đồng, giá trị sổ sách hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Còn DPM có vốn điều lệ 3.900 tỷ đống, giá trị sổ sách gần 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận hai doanh nghiệp làm ra không chênh lệch nhiều về con số tuyệt đối.
Cách đây gần 10 năm, khi DCM đang trong quá trình đầu tư, nhiều người tin rằng, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ được giao cho DPM quản lý. Thời gian đầu, DPM được giao phân phối sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau.
DPM đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương mua lại Nhà máy Đạm Cà Mau. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ lúc đó là duy trì đồng thời DPM và DCM (khi đó chưa cổ phần hóa). Vì thế, DPM đã dừng thực hiện ý định này. Ngay cả khi DCM thực hiện cổ phần hóa, DPM cũng không tham gia đầu tư, bởi theo PVN, việc hai công ty con của một tập đoàn đầu tư chéo vào nhau, thuần túy chỉ ở mức đầu tư tài chính do tỷ lệ bán vốn của Nhà nước còn thấp, thì hoạt động đầu tư đó không hợp lý.
Tại thời điểm đó, đối với một doanh nghiệp như DPM, việc đầu tư vào DCM là một thương vụ tốt trong bối cảnh tổng công ty này đang dư hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, trong khi khả năng tăng trưởng sản lượng nhà máy của DPM đã tới hạn. Ngành phân đạm cũng được dự báo sẽ cạnh tranh lớn hơn do dư thừa nguồn cung trong nước khi các nhà máy đi vào hoạt động. Sở hữu DCM, DPM có thể tăng trưởng sản lượng, doanh thu và thị phần, thay vì phải cạnh tranh với một đối thủ mạnh, bởi DCM được đầu tư với công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm đạm hạt đục, khác với đạm hạt trong của DPM.
PVN đã điều một số nhân sự chủ chốt của DPM sang điều hành hoạt động của DCM ngay khi công ty này ra đời. Vì là “anh em trong một nhà” nên hai doanh nghiệp phân chia thị trường dựa vào lợi thế cạnh tranh riêng. Mỗi doanh nghiệp đều phát triển các nhà máy sản xuất phân bón chất lượng cao như NPK.
Gần 10 năm trước, việc đầu tư mua lại DCM được kỳ vọng mang lại lợi ích cho DPM. Nhưng ở thời điểm này, hiệu ứng khó có thể là một chiều thuận lợi như vậy.
Lợi ích dễ nhìn thấy nhất khi hai doanh nghiệp lớn sáp nhập là đem lại lợi thế cạnh tranh về quy mô, giảm chi phí quản trị, giảm chi phí phân phối, giảm cạnh tranh nội bộ. DCM và DPM chiếm lợi thế chủ đạo ở một khu vực thị trường chính nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nhưng không tránh khỏi cạnh tranh ở các khu vực thị trường khác.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, ngành phân bón gặp nhiều khó khăn do biến động giá đầu vào và giá sản phẩm, cạnh tranh trong ngành dư thừa công suất. Trong khi DPM nhờ lợi nhuận tích lũy nên có tiềm lực tài chính tốt thì DCM do đầu tư sau vẫn đang gánh khoản nợ ngoại tệ. Hơn nữa, DCM đang trong giai đoạn được hỗ giá khí đầu vào, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận 12%, nên chưa đủ dữ liệu để cổ đông đánh giá hiệu quả hoạt động khi việc hỗ trợ giá khí kết thúc.
Đối với cổ đông ngoài PVN thì việc sáp nhập hai thương hiệu sản xuất phân bón lớn đem lại hiệu quả như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Về lý thuyết, khi hình thành doanh nghiệp lớn và tỷ lệ sở hữu của của PVN giảm xuống, thanh khoản của cổ phiếu sẽ tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn. Nhưng nếu phân bón là ngành không còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư chiến lược và cả các nhà đầu tư tài chính, thì lượng cổ phiếu lớn là một yếu tố mà các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường e dè khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư.
Việc sáp nhập có thể tạo ra cơ hội cho cổ phiếu của hai doanh nghiệp, nhất là DCM với thị giá thấp hơn, “nổi sóng” khi nhà đầu tư thích “chơi game sáp nhập”, nhưng về lâu dài là khó đoán định lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ của hai doanh nghiệp.