Để rộng đường dư luận, Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị DPM về các nghi vấn của cổ đông.
Thưa ông, cổ đông nêu giá dầu, giá khí tăng hay giảm nhưng giá bán lẻ DPM vẫn tăng đều và kết quả kinh doanh 2016 và 2017 lại giảm. Ngoài lý do biến động giá dầu và giá khí thì còn lý do nào dẫn đến suy giảm lợi nhuận của Tổng công ty qua các năm?
Giá khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ được căn cứ trên 46% giá dầu FO bình quân tháng tại thị trường Singapore và chi phí vận chuyển khí (tariff). Chi phí khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ năm 2014 là 3.001 tỷ đồng, năm 2015 là 1.848 tỷ đồng (giảm so với năm 2014 là 1.153 tỷ đồng), năm 2016 là 1.657 tỷ đồng (giảm so với năm 2015 là 191 tỷ đồng), năm 2017 là 2.082 tỷ đồng (tăng so với năm 2016 là 425 tỷ đồng).
Về giá bán, Đạm Phú Mỹ là mặt hàng phải kê khai giá theo quy định của Bộ Tài chính và theo công thức giá quy định, trong đó có căn cứ theo giá thị trường quốc tế và trong nước. Giá bán Đạm Phú Mỹ qua các năm có tăng có giảm (xem Box 1), chứ không phải toàn tăng.
So sánh chi phí khí phải trả của năm 2016 thấp hơn năm 2015 là 191 tỷ đồng, tuy nhiên do giá bán năm 2016 giảm sâu, nên doanh thu của Tổng công ty năm 2016 bị giảm so với năm 2015 là 1.042 tỷ đồng. Năm 2017, giá khí phải trả cho sản xuất Đạm Phú Mỹ tăng 425 tỷ đồng so với năm 2016, nhưng sản lượng thấp hơn năm 2016 (do nhà máy dừng bảo dưỡng hơn 1 tháng), nên dù giá tăng nhưng doanh thu Đạm Phú Mỹ chỉ tăng 238 tỷ đồng.
Trên cả thị trường thế giới, trong nước và đặc biệt đối với DPM, giá dầu, giá khí và giá phân bón không phải lúc nào cũng diễn biến cùng nhịp, thuận chiều với nhau, mà có độ trễ, hoặc thậm chí ngược chiều nhau. Giá khí do Tổng công ty phải trả được căn cứ theo giá bình quân của tháng, tức là giá dầu tăng thì ngay lập tức, giá khí nguyên liệu để sản xuất đạm tăng theo, trong khi giá phân bón không tăng ngay theo giá dầu, giá khí mà tùy thuộc vào tình hình thị trường, mùa vụ…
DPM có những biện pháp gì để ứng phó với vấn đề suy giảm lợi nhuận như cắt giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ dự án, đa dạng hóa sản phẩm trong thời gian qua, thưa ông?
Trước đây, Việt Nam chỉ có Nhà máy Đạm Hà Bắc sản xuất khoảng 160.000 tấn/năm và Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn/ năm. Từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam có thêm hai nhà máy mới và Nhà máy Đạm Hà Bắc mở rộng, do đó cung đã vượt cầu (nhu cầu khoảng 2.000.000 tấn và năng lực sản xuất khoảng 2.600.000 tấn). Bên cạnh đó, thực thi các hiệp định thương mại đã ký kết, nên tại Việt Nam, thuế nhập khẩu urê bằng 0%. Urê của các nước như Indonesia, Malaysia về Việt Nam rất thuận tiện với chi phí cước tàu dao động khoảng 15 - 20 USD/tấn và khoảng trong vòng 1 tuần là hàng về đến cảng Việt Nam.
Ông Lê Cự Tân
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng tối ưu các loại chi phí sản xuất, chi phí quản lý, bán hàng theo hướng hiệu quả và nhìn chung, dù sản lượng kinh doanh tăng, có thêm sản phẩm mới, nhưng tổng chi phí qua các năm của DPM theo xu hướng giảm. Ngoài ra, DPM tích cực triển khai dự án mở rộng NH3 - NPK từ năm 2015. Từ quý I/2018, khi đi vào vận hành thì đã chuẩn bị thị trường từ trước nên cả sản phẩm NH3 và NPK Phú Mỹ do nhà máy sản xuất đều tiêu thụ rất tốt.
Tại các kỳ họp cổ đông trước đây, nhà đầu tư chỉ nghe đến việc khi dự án NPK và NH3 đi vào hoạt động thì mang lại doanh thu và lợi nhuận bao nhiêu một năm, nhưng năm 2018 lại có lỗ ở dự án này. Vậy ông cho biết, lỗ này nằm trong kế hoạch hay không?
Thông thường, đối với một dự án đầu tư, trong khoảng thời gian 2 - 3 năm đầu từ thời điểm đưa vào vận hành sẽ lỗ (do trích khấu hao và lãi vay trong những năm đầu cao và giảm dần ở các năm tiếp theo).
Dự án NPK cũng không phải ngoại lệ, lỗ năm 2018 nằm trong kế hoạch ban đầu. Khi dự án đưa vào hoạt động sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận hàng năm (tính trung bình năm lợi nhuận của dự án).
Ngoài ra, các thông tin về tài chính, kế hoạch đã được Tổng công ty cung cấp công khai theo đúng quy định cũng như đã nhiều lần trả lời, cung cấp thông tin cho cổ đông.
Việc nhiều cổ đông nội bộ, lãnh đạo Tổng công ty bán hết cổ phiếu ESOP khiến các cổ đông bên ngoài khó hiểu. Điều này phải chăng phản ánh rằng, điều kiện ESOP lỏng, không có tính gắn kết lâu dài cổ đông và doanh nghiệp?
Cũng như các doanh nghiệp niêm yết khác, điều kiện ESOP của DPM là hạn chế giao dịch 12 tháng. Tổng số phát hành là 11,4 triệu cổ phần, tương đương 3% vốn điều lệ, chỉ có 1 đợt duy nhất trong 10 năm hoạt động. Trong đó, phần cổ phiếu cho 15 người trong Ban lãnh đạo Tổng công ty chỉ là 920.000 cổ phần, chiếm 8% tổng số ESOP, bình quân mỗi người khoảng 60.000 cổ phần.
Cổ phiếu dù là ESOP cũng là một khoản đầu tư và người mua cũng gánh chịu rủi ro về khoản đầu tư này. Giá mua cổ phiếu ESOP DPM là 10.000 đồng/CP và giá thị trường tại thời điểm hết thời hạn hạn chế giao dịch khoảng 22.000 đồng/CP. So sánh với ESOP của các doanh nghiệp khác thì mức ưu đãi giá và thời gian hạn chế giao dịch 12 tháng của chương trình ESOP của DPM là phù hợp và thấp hơn so với hầu hết doanh nghiệp khác.
Việc DPM điều chỉnh kế hoạch vào cuối năm khi mà gần như đã có thể ước kết quả thực hiện cả năm, theo cổ đông, là để hưởng lợi cho Quỹ khen thưởng. DPM có bình luận gì về điểm bất hợp lý này?
Đại hội đồng cổ đông DPM thông qua kế hoạch hàng năm cho Tổng công ty, không đưa ra định mức về Quỹ thưởng cho HĐQT và Ban điều hành căn cứ theo lợi nhuận. HĐQT và Ban điều hành hoàn toàn không được đại hội áp dụng chế độ thưởng hoàn thành hay vượt mức kế hoạch.
Do HĐQT và Ban điều hành DPM phần lớn là người đại diện vốn nhà nước và đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nên tổng dự toán chi phí lương HĐQT, Ban điều hành được Đại hội đồng cổ đông thông qua hàng năm, khi chi trả thì phải tuân theo quy định của Tập đoàn, trong đó phân chia ra phần tiền lương cố định và phần còn lại gọi là tiền thưởng. Do vậy, trong báo cáo thường niên hàng năm, DPM thường nêu chi tiết thu nhập của HĐQT, Ban điều hành gồm 2 khoản như trên.
Việc điều chỉnh kế hoạch của DPM căn cứ vào tình hình thực tế, các điều kiện chủ quan, khách quan và yêu cầu quản trị sản xuất - kinh doanh, thường được xem xét sau 6 tháng đầu năm và vào quý III hàng năm. Tuy nhiên, việc xem xét điều chỉnh kế hoạch nếu có, phải qua quá trình báo cáo và chấp thuận rất chặt chẽ của cổ đông nhà nước chi phối và còn phụ thuộc vào thời gian điều chỉnh giá dầu thô kế hoạch (vì kế hoạch của DPM được lập dựa trên giá dầu), thường đến cuối quý IV hàng năm mới được chấp thuận. Đây là lý do chính khiến thời điểm HĐQT được phép ra quyết định điều chỉnh kế hoạch bị muộn đến gần cuối năm.