Đây là một dạng quỹ đầu tư hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam mà Savacap là đơn vị đầu tiên cho biết ý định thành lập tính đến thời điểm này. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thế Quang, Tổng giám đốc Savacap.
Thưa ông, khi nào Savacap có thể hoàn tất hồ sơ thành lập công ty đầu tư chứng khoán?
Dự kiến đầu năm tới. Nếu không có gì thay đổi, vào quý I/2015, chúng tôi sẽ cho ra mắt công ty đầu tư chứng khoán này.
Hiện nay, trên thị trường chưa có loại hình công ty đầu tư chứng khoán, quá trình thành lập liệu có gặp khó khăn?
Chắc chắn sẽ có những khó khăn, vì đây là lần đầu tiên loại hình quỹ này được xin thành lập, không như loại hình quỹ đóng thành viên đã có nhiều quỹ được thành lập trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với sự ủng hộ và hướng dẫn nhiệt tình của UBCK, việc xin cấp phép thành lập sẽ được giải quyết nhanh chóng trong thời gian hợp lý.
Đây là công ty đầu tư chứng khoán đại chúng hay riêng lẻ?
Chúng tôi chọn loại hình riêng lẻ. Tên đầy đủ là Công ty Đầu tư chứng khoán riêng lẻ Sao Vàng (SVF1).
Vì sao Savacap chọn hình thức công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, chứ không phải một dạng quỹ đầu tư nào khác?
Mô hình này rất linh hoạt trong việc đầu tư và phù hợp cho cả tổ chức và cá nhân. Theo quy định hiện hành, điều kiện xin thành lập loại hình công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ không quá khắt khe: có tối đa 99 NĐT, không kể NĐT chuyên nghiệp; cá nhân tham gia ít nhất 1 tỷ đồng, còn tổ chức ít nhất 3 tỷ đồng; do một công ty quản lý quỹ quản lý; tài sản được lưu ký và giám sát bởi một ngân hàng giám sát; có công ty kiểm toán kiểm toán hàng năm.
Hoạt động đầu tư đều được thông qua hoặc do HĐQT quyết định. HĐQT có ít nhất 2/3 thành viên không phải là người có liên quan đến công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và công ty kiểm toán, do Đại hội NĐT bầu chọn.
Chúng tôi dự kiến, HĐQT SVF1 sẽ gồm 5 thành viên, trong đó 1 thành viên đại diện Savacap, 3 thành viên là các đại diện của NĐT tham gia vốn và 1 chuyên gia kinh tế độc lập. HĐQT sẽ do Đại hội NĐT bầu chọn.
Ông có nghĩ loại hình công ty đầu tư chứng khoán sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT?
Thực tế hiện nay, cả NĐT tổ chức và cá nhân trong nước đều chưa quen với các sản phẩm của công ty quản lý quỹ nói chung. Họ vẫn thích tự quản lý tiền đầu tư của họ hơn là giao cho một người hoặc một tổ chức khác. Tuy nhiên, với lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp, việc người dân tìm kiếm loại hình đầu tư khác để gửi gắm tiền nhằm thu được lợi suất cao hơn là một nhu cầu có thật.
Đối tượng NĐT mà Savacap nhắm đến là ai?Dự kiến quy mô vốn ban đầu của SVF1 là bao nhiêu và sẽ đầu tư vào đâu?
Chúng tôi dự kiến quy mô ban đầu khoảng 100 tỷ đồng. Con số này không lớn, nhưng chúng tôi hy vọng đây là bước khởi đầu để hướng đến một quy mô lớn hơn nhiều trong tương lai.
Về chiến lược, chúng tôi sẽ chủ yếu đầu tư mua cổ phần và phần vốn góp của các doanh nghiệp mà Nhà nước dự định thoái vốn trong năm 2015.
Chúng tôi nhắm đến 2 đối tượng. Một là những NĐT có mong muốn đầu tư vào các công ty do Nhà nước thoái vốn, tức họ đã am hiểu và sẵn có nhận thức trước việc đầu tư vào các công ty dạng này sẽ mang lại hiệu quả hợp lý trong đầu tư, mà rủi ro có thể chấp nhận được. Hai là những NĐT có vốn nhàn rỗi trung hạn từ 3 - 5 năm và không có áp lực về việc phải lĩnh lãi hàng tháng.
Ý tưởng thành lập công ty đầu tư chứng khoán này có từ khi nào?
Ý định này chúng tôi đã ấp ủ từ 2 năm trước, xuất phát từ chủ trương sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả, tái cơ cấu DNNN và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, Nghị quyết số 15/NQ-CP ban hành hồi tháng 3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thoái vốn Nhà nước trong năm 2015. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội và tiềm năng rất lớn trong việc đầu tư vào các công ty dạng này.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, hầu hết các công ty này sở hữu khối lượng tài sản tương đối lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Thứ hai, vị thế sẵn có của đa số công ty hiện đang rất tốt trên thị trường. Thứ ba, bản chất việc chuyển đổi từ cơ chế hiện nay sang cơ chế cổ phần sẽ tạo sự đột phá lớn trong hoạt động kinh doanh sau khi chuyển đổi.
Năm 2015 sẽ có hơn 300 DNNN thoái vốn. Trong số này, chúng tôi đã xem xét, dành thời gian nghiên cứu cũng như tìm hiểu kỹ gần 2 năm nay và đã chọn ra một danh mục đầu tư khá tốt. Chúng tôi mong muốn chia sẻ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận đầu tư này với tất cả các NĐT quan tâm.
Ông có thể cho biết một số điểm hấp dẫn của SVF1?
Chúng tôi không thu phí phát hành vì chúng tôi quan niệm chưa làm được gì cho NĐT thì chưa thu phí. Phí thưởng cũng chưa đặt ra, chỉ khi đầu tư thành công thì chúng tôi mới đề xuất Đại hội NĐT. Phí quản lý ha#ng năm là 1,5% tính trên giá trị tài sản ròng.
Về lợi nhuận, chúng tôi đặt ra mục tiêu khoảng 15 - 30%/năm và chia cổ tức 5%/năm. Đây là kế hoạch tương đối thận trọng. Thực tế cho thấy, trong trong năm 2014, một số thương vụ sau khi Nhà nước thoái vốn thì giá cổ phiếu của các công ty đó có sự chuyển biến tích cực như DQC, DCL, RDP…
Chúng tôi sẽ tập trung mang lại hiệu quả thực sự cho các NĐT và hy vọng SVF1 có quy mô ngày càng lớn. SVF1 là sản phẩm quỹ dài hạn đầu tiên của Savacap nhằm đặt nền móng hướng đến chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn trong tương lai.
Theo ông, TTCK năm tới sẽ như thế nào?
Năm 2015, tôi đánh giá là năm bắt đầu cho sự hồi phục mạnh của nền kinh tế, xuất phát từ những dấu hiệu tích lũy tạo đà trong 3 năm vừa qua (2012 - 2014) như: tăng trưởng GDP khẳng định xu hướng thoát đáy đi lên, lạm phát ổn định ở mức thấp, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm xuống mức mà nền kinh tế có thể chấp nhận được, tỷ giá ổn định nhờ sự cải thiện mạnh mẽ trong cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam… Yếu tố còn quan ngại là tình trạng nợ xấu và nợ công còn khá cao. Tuy nhiên, tôi tin rằng, kế hoạch hành động của Chính phủ để xử lý 2 vấn đề này đang đi đúng hướng và sẽ thành công trong trong thời gian tới.
Theo đó, rủi ro trong việc đầu tư vào TTCK năm 2015 là khá thấp. Ngoài ra, so với TTCK các nước khác trong khu vực thì thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, đặc biệt là các chương trình thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, MobiFone, PV Gas, Đạm Cà Mau, Satra, Sabeco…
Về ngành quản lý quỹ của Việt Nam thì sao, thưa ông?
TTCK Việt Nam đến nay đã có 15 hình thành và phát triển, nhưng độ phức tạp chưa cao. Tôi tin rằng, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm tài chính mới trong các năm tới, khi mà ngày càng nhiều các tổ chức tài chính quốc tế tham gia.
Như tôi đã nói, các NĐT Việt Nam hiện nay thích tự quyết định và quản lý tiền của mình. Tuy nhiên, trong vài năm tới, thói quen này sẽ giảm dần và các sản phẩm của ngành quản lý quỹ được NĐT quan tâm nhiều hơn do các yếu tố: một là, cuộc sống hiện đại làm cho NĐT có ít thời gian để nghiên cứu tự đầu tư; hai là, thị trường ngày càng phức tạp vì có quá nhiều công ty niêm yết, sản phẩm mới, cũng như cơ hội mới, mà chỉ có sự tập trung nghiên cứu bởi nhiều người có chuyên môn cùng lúc mới giải quyết được nếu muốn đầu tư thành công.
Tôi tin rằng, ngành quản lý quỹ có tiềm năng phát triển cao nếu sản phẩm phù hợp với nhu cầu đầu tư thật của NĐT.
Để các sản phẩm mới như quỹ đầu tư và công ty đầu tư chứng khoán có thể phát triển, theo ông cần có những yếu tố nào?
Theo tôi, điều đầu tiên là bản thân sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu đầu tư thật của NĐT tại từng thời điểm của nền kinh tế. Kế đến, công ty quản lý quỹ phải luôn đặt đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Cuối cùng, nói gì thì nói, hiệu quả đầu tư vẫn là yếu tố quyết định.
Ở Savacap, chúng tôi cam kết đặt lợi ích khách hàng lên trên hết. Chúng tôi cho rằng, sự thành công của khách hàng là sự thành công của Savacap. Chúng tôi chỉ thu phí quản lý tài sản của NĐT và thưởng (nếu có), khi đầu tư thành công. Hiệu quả chúng tôi mang lại cho NĐT có thể không phải là cao nhất trên thị trường, nhưng phải trên mức bình quân của thị trường và có tính ổn định lâu dài.
Savacap tiền thân là Công ty Quản lý quỹ Nhân Việt, do một triệu phú người Pháp nắm giữ cổ phần chi phối. Đầu năm 2013, một nhóm NĐT trong nước đã đàm phán mua lại toàn bộ cổ phần và tháng 8/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức chấp thuận đổi sang tên mới là Công ty Quản lý quỹ Sao Vàng. Sau gần 2 năm, từ một công ty thua lỗ nhiều năm, đến nay Savacap đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực, như tổng tài sản quản lý gần 300 tỷ đồng với hiệu quả đầu tư mang lại khá cao và bản thân Savacap thu đủ bù chi. Định hướng sắp tới của Savacap là tiếp tục cung cấp ra thị trường những sản phẩm đầu tư đa dạng và linh hoạt, tùy vào từng thời điểm cụ thể, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của NĐT, với mức độ chấp nhận rủi ro và lợi nhuận mong đợi khác nhau. Những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế như tiết kiệm, dự phòng khám chữa bệnh, giáo dục, hưu trí, đầu tư vốn cổ phần, trái phiếu, tiền tệ, đầu tư mạo hiểm… |