Sao vẫn phải chờ việc giảm thuế giá trị gia tăng?

0:00 / 0:00
0:00
“Sao vẫn phải chờ?” là câu hỏi được cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân đặt ra, mặc dù đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Tài chính, khi đề xuất các giải pháp tài khóa nhằm chia sẻ khó khăn với đối tượng chịu thuế.
Sao vẫn phải chờ việc giảm thuế giá trị gia tăng?

Được biết, Bộ Tài chính đã lên phương án giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2023 ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP (ngày 8/4/2023), theo đó yêu cầu nghiên cứu, đề xuất giảm khoản thuế này. Trước đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Song điều đáng nói là, theo phương án đề xuất, việc giảm thuế, gia hạn tiền thuế lại được thực hiện quá muộn (dự kiến từ ngày 1/7/2023 mới giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%). Điều này tất yếu sẽ làm giảm hiệu quả của một trong những chính sách rất thiết thực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều đáng nói nữa, đây không phải là lần đầu tiên, các cơ quan chức năng áp dụng chính sách trên, do vậy, không cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động.

Thực tế, chính sách gia hạn tiền thuế đã được thực hiện từ năm 2020; chính sách giảm thuế GTGT cũng bắt đầu được áp dụng từ năm 2022, nên hiệu quả tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến ngân sách nhà nước, đến từng doanh nghiệp và người dân cũng như thị trường nội địa đã được cân đong, đo đếm cả về định tính lẫn định lượng.

Cụ thể, dù giảm thuế, nhưng số thu ngân sách vẫn tăng. Hết thời gian gia hạn, đại đa số người nộp thuế đều hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tình trạng nợ thuế không tăng như nhiều người lo ngại. Hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi mạnh, thị trường nội địa bứt phá; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố; thu nhập của người dân tăng lên...

Đơn cử, năm 2022, nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, đủ liều lượng, đúng đối tượng, nên đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi, qua đó doanh nghiệp đã đầu tư vào nền kinh tế lượng vốn tăng hơn 15% so với năm 2021. Cũng nhờ chính sách tài khóa này, nên năm 2022, doanh nghiệp đã tự nguyện nộp 296.842 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn trước khi hết thời gian quy định.

Nhờ chính sách gia hạn tiền thuế và giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, nên cầu tiêu dùng nội địa năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 20%; thu nhập của người dân tăng 9,5% so với năm 2021...

Hiệu quả của chính sách gia hạn, miễn giảm thuế đã quá rõ, vì vậy, có thể nói, đến thời điểm này mà chưa tiếp tục triển khai chính sách trên là muộn.

Muộn là bởi, khó khăn đã xuất hiện và ngày càng rõ nét ngay từ quý IV/2022 khi tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh; tình trạng thất nghiệp, mất việc, thiếu việc làm gia tăng, nhiều doanh nghiệp co hẹp sản xuất... Trong bối cảnh đó, nếu các chính sách hỗ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai ngay từ đầu năm 2023, thì sẽ giảm bớt sự “di căn” của những khó khăn sang quý I/2023.

Khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện có 52,4% số doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp; trên 30% số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và 37% gặp khó khăn do phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao... Để giải quyết khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất liên tiếp 2 lần trong vòng nửa tháng - đi ngược với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới. Giải pháp tín dụng đã được mở, song rất tiếc là giải pháp tài khóa (miễn, giảm, gia hạn thuế) vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất.

Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách tài khóa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nội địa cần sớm được ban hành và thực thi càng sớm càng tốt.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục