Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường Diên Hồng về sửa đổi Hiến pháp

Thảo luận tại tổ, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là có đơn vị hành chính cấp xã và tương đương hay còn cấp đơn vị hành chính nào khác.
Ngày 7/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sáng nay (14/5) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại tổ với 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 2 cơ quan gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội.

Với những nội dung cụ thể, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013), một số ý kiến tán thành việc không quy định cụ thể đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh đơn vị hành chính thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Hơn nữa, cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” cũng đã được sử dụng tại Điều 74 và Điều 96 của Hiến pháp hiện hành nên đây không phải nội dung mới.

Ý kiến khác đề nghị thay cụm từ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” bằng cụm từ “đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh” để bao gồm cả xã, phường, đặc khu hoặc những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác có thể phát sinh trong tương lai.

Có đại biểu đề nghị quy định các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố thay cho “thành phố trực thuộc trung ương” để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Một số vị đại biểu đề nghị nghiên cứu, thể hiện nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 110 theo cách thức của Hiến pháp hiện hành để bảo đảm tính kế thừa và cụ thể. Theo đó, Điều 110 cần quy định cụ thể các đơn vị hành chính ở dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm xã, phường và đặc khu.

Ý kiến khác cho rằng, đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên quy định theo hướng đa dạng, đối với các thành phố lớn (như Hà Nội) thì không nhất thiết phân chia thành các phường trực thuộc mà có thể cân nhắc chia thành khu vực đô thị và khu vực ngoại thị theo đặc điểm dân cư để bố trí nguồn lực hợp lý thay vì cào bằng giữa đô thị lõi với các khu vực nông thôn.

Tổng thư ký Quốc hội cũng phản ánh, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là có đơn vị hành chính cấp xã và tương đương hay còn cấp đơn vị hành chính nào khác.

Về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội cho biết, một số đại biểu đề nghị làm rõ đơn vị này thuộc trung ương, cấp tỉnh hay cấp xã. Có ý kiến cho rằng, việc quy định riêng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở khoản 2 Điều 110 có thể dẫn tới cách hiểu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không phải là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, đề nghị chuyển quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lên khoản 1, còn đơn vị hành chính này trực thuộc trung ương, cấp tỉnh hay tương đương cấp xã sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị đó .

Vị khác đề nghị bổ sung tiêu chí xác định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cụ thể là: “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, tiềm năng kinh tế, vị trí địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của luật”.

Lần sửa đổi này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề xuất không quy định Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND vì sắp tới sẽ không tổ chức Tòa án cấp huyện nên không còn tính tương đồng giữa các cấp HĐND với hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, có tới 30 ý kiến đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp hiện hành vì cho rằng, đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc.

Hơn nữa, lý giải trong Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về việc tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn nhưng đại biểu HĐND vẫn thực hiện quyền giám sát là chưa thuyết phục vì đây là 2 hoạt động khác nhau, việc tổ chức chất vấn riêng sẽ tạo điều kiện để đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm một cách chính thức, công khai đối với người được chất vấn.

Các ý kiến này đề nghị chỉnh lý dự thảo, quy định đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và khu vực hoặc chỉ chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Đề nghị quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh còn có quyền chất vấn đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác, không nên bó hẹp đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND.

Một số vị đại biểu đề nghị quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh ngoài thẩm quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thì còn có thẩm quyền chất vấn đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh và khu vực hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.

Sau phiên thảo luận này, Quốc hội còn có phiên thảo luận toàn thể lần thứ hai, sau khi đã có kết quả lấy ý kiến nhân dân, vào đợt hai của Kỳ họp.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục