Sáng nay (4/6): Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu trả lời chất vấn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Đây cũng là lần đầu ông Khánh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại một phiên họp tổ Quốc hội (Ảnh: M.Minh) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại một phiên họp tổ Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Sáng 4/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội bước vào phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, sẽ kéo dài 2,5 ngày (đến hết sáng 6/6).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ là vị tư lệnh ngành đầu tiên ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn của Bộ trưởng bao gồm ba nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường như sau:

Một là: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia.

Hai là: Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.

Ba là: Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Trong Báo cáo "Một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV" gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cung cấp một số thông tin về thực trạng quản lý những lĩnh vực nói trên và các giải pháp quản lý, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về lĩnh vực biển, Bộ trưởng cho biết, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động phát triển kinh tế biển và quản lý, khai thác tài nguyên biển vẫn còn bất cập.

Không gian biển chưa được khai thác hiệu quả; chưa phát huy được vị thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm ảnh hưởng đến công tác quản lý. Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, liên kết vùng giữa các vùng biển, ven biển, vùng nội địa thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.

Hoạt động phát triển kinh tế biển và quản lý, khai thác tài nguyên biển Việt Nam còn bất cập

Hoạt động phát triển kinh tế biển và quản lý, khai thác tài nguyên biển Việt Nam còn bất cập

Kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển chưa được xây dựng đồng bộ. Nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi. Các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm.

Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều bất cập; hệ thống quy hoạch giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái chưa thống nhất; nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn kinh tế biển chưa đáp ứng được yêu cầu. Chế độ chính sách cho đội ngũ chuyên gia về tài nguyên, môi trường biển chưa phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên. Bộ cũng tiếp thu, hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia; xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu quả ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Định hướng của cơ quan này là phấn đấu quản trị biển theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương có và không có biển, giữa khai thác với bảo tồn. Với cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, Bộ sẽ tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu thông suốt.

Đồng thời, Bộ cũng cam kết giám sát, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên biển trái quy định, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái, hủy hoại tài nguyên biển.

Về vấn đề an ninh nguồn nước, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nhận xét, hiệu quả khai thác, sử dụng nước của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và ở đô thị.

Nguyên nhân là Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực và năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Nông dân nuôi vịt biển ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) để thích ứng với nạn xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: M.Minh)

Nông dân nuôi vịt biển ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) để thích ứng với nạn xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: M.Minh)

Đầu tư ngành nước đang thiếu so với nhu cầu; bố trí nguồn lực chưa tương xứng và mất cân đối. Kinh phí điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, đầu tư xây dựng công trình hồ chứa, tích trữ nước không đầy đủ. Trong khi đó, nhiều dòng sông, đoạn sông như Hồng, Vu Gia - Thu Bồn, Ba và hạ lưu hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có tình trạng suy giảm, cạn kiệt dòng chảy.

Ông Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài cấp quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công trình điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn. Công trình bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ tự động hóa công tác quản lý hạ tầng ngành nước, nhất là hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước, thiên tai...

Về vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, vẫn còn xảy ra một số vi phạm.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2012-2023, Bộ đã tiến hành 256 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng.

Hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản còn để xảy ra vi phạm

Hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản còn để xảy ra vi phạm

Ngoài ra, hàng năm các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng đồng thời tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính.

Nguyên nhân vì vẫn còn tồn tại, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản; tồn tại hạn chế trong chiến lược khoáng sản cũng như trong quy hoạch, điều tra cơ bản; chưa có hệ thống thông tin dữ liệu địa chất và khoáng sản dẫn đến khó quản lý; nhân lực mỏng; kinh phí cho điều tra cơ bản về lĩnh vực này chưa được đầu tư thích đáng...

Để khắc phục, sau khi tổ chức tổng kết thi hành hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 20210, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và khắc phục các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản. Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Ngoài ra, theo ông Khánh, cần bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; góp phần xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản; khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản...

Theo chương trình dự kiến, sau khi Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh hoàn thành phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường vào cuối buổi sáng ngày 4/6.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục