Sáng lập BLUSaigon Tôn Nữ Xuân Quyên: Giảm rác thải nhựa với sản phẩm bút ngọc trai

0:00 / 0:00
0:00
Tôn Nữ Xuân Quyên kỳ vọng, thông qua các sản phẩm như bút ngọc trai, BLUSaigon có thể thực hiện sứ mệnh bảo tồn nghệ thuật khảm trai Việt Nam, cũng như giảm rác thải nhựa.
Sáng lập BLUSaigon Tôn Nữ Xuân Quyên: Giảm rác thải nhựa với sản phẩm bút ngọc trai

Ba sứ mệnh cộng đồng

Những chiếc cúc (nút) áo từ xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Tôn Văn) đã gắn lên hàng triệu bộ cánh của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Escada, Ralph Lauren...

Từ 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ ốc trên căn gác xép ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), Tôn Văn giờ đây đã sở hữu khu nhà xưởng rộng 10.000 m2 tại Bình Dương, sản xuất bình quân 200.000 - 300.000 hạt nút áo mỗi ngày, sau hơn 24 năm thành lập.

Ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng giám đốc Tôn Văn khẳng định, tuy không phải là nhà sản xuất cúc áo có doanh số hàng đầu Việt Nam, nhưng Công ty tự tin về độ tinh xảo, khả năng sáng tạo mẫu mới và không nề hà bất kỳ đơn hàng nào.

Ông Nghĩa là bố của Tôn Nữ Xuân Quyên, nhà sáng lập thương hiệu BLUSaigon và vừa đoạt giải Nhì trong Cuộc thi Doanh nhân cộng đồng (Blue Venture Award) mùa 3.

“Với kinh nghiệm trong ngành sản xuất từ vỏ sò, vỏ ốc… gần 25 năm, chúng tôi có thể làm ra nhiều sản phẩm từ ngọc trai với chi phí tối ưu nhất. Mỗi vỏ sò, phần đẹp nhất ở giữa dùng làm bút và trang sức, phần còn lại làm khung tranh…”, Xuân Quyên tự hào về nghề sản xuất của gia đình, về sản phẩm bút ngọc trai được ông Nghĩa “ấp ủ” sản xuất trong hơn 10 năm qua.

Thông qua các sản phẩm mang thương hiệu BLUSaigon, Quyên kỳ vọng, 3 sứ mệnh vì cộng đồng có thể được thực hiện.

Thứ nhất, bảo tồn làng nghề khảm trai 1.000 năm tuổi và những ngành nghề khác bằng cách tìm đầu ra cho những sản phẩm liên quan và mang lại hàng trăm việc làm cho các nghệ nhân.

Thứ hai, bảo tồn môi trường biển qua hoạt động tìm kiếm những chiếc vỏ ốc đẹp nhất từ những “ngư dân” BLUSaigon, đồng thời lấy rác thải biển, bắt sao biển gai (sinh vật ăn san hô, phá hoại môi trường cá), tạo nhà nhân tạo cho cá bằng san hô bê tông…

Thứ ba, thông qua hoạt động của BLUSaigon, Quyên mong muốn có thể truyền cảm hứng về ý thức giảm thiểu rác thải nhựa, không chỉ túi hay cốc nhựa, mà còn với cả bút bi nhựa - với khoảng 1,6 tỷ chiếc được thải ra môi trường mỗi năm.

Với thời gian sử dụng lên đến 20 năm, bút ngọc trai BLUSaigon không chỉ mang đến cho người dùng cảm giác thích thú bởi đó là sản phẩm của nghề khảm trai có từ ngàn năm trước, mà còn thấy tự hào vì góp phần giảm đi hàng ngàn chiếc bút nhựa thải ra môi trường mỗi năm.

Trăn trở khâu tiếp thị sản phẩm

“Điều mình lo nhất khi trình bày tại chung kết Cuộc thi Blue Venture Award vừa qua không phải việc bị các giám khảo chất vấn, mà là tiếng Anh và thời gian”, nhà sáng lập BLUSaigon nhớ lại, dù cô từng có thời gian dài sống và học tập tại Mỹ.

Sau 10 năm về Việt Nam, vốn từ tiếng Anh ít nhiều bị mai một. Trong khi đó, chỉ có 1 tuần từ khi Quyên nhận tin lọt vào tốp 3 đến lúc vòng chung kết cuộc thi bắt đầu. Cô chỉ có 4 phút trình bày về sản phẩm cũng như thuyết phục Ban Giám khảo một cách cô đọng và dễ hiểu nhất.

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất sản phẩm từ vỏ sò, ngọc trai, BLUSaigon đặt mục tiêu doanh thu 5 triệu USD vào năm 2026.

Tôn Nữ Xuân Quyên, nhà sáng lập BLUSaigon

“Cuộc thi được phát trực tiếp, nếu dùng từ sai trước những người siêu giỏi khác đang xem, chắc không biết giấu mặt vào đâu. Ngoài ra, cạnh tranh với 2 nhà sáng lập trẻ tuổi, độc thân khác, trong khi tôi ngày làm ở công ty, tối thức đêm pha sữa cho 2 con nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ôn lại tiếng Anh và để học cách nói ngắn gọn”, Quyên tâm sự.

Kết quả, phần trình bày của Quyên được bà Lê Hạnh, CEO TV Hub - đơn vị đồng tổ chức Blue Venture Award đánh giá là “duyên dáng và tự tin”.

Trong 4 phút thuyết phục Ban Giám khảo, Quyên cho biết, Công ty hiện có 100 nhân sự toàn thời gian và 100 người làm bán thời gian. Họ sẽ được đào tạo trong 3 tháng, nắm sơ bộ về tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm và chọn ra một vị trí mà họ phù hợp nhất trước khi bắt tay vào sản xuất sản phẩm 100% tái sinh.

“Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất sản phẩm từ vỏ sò, ngọc trai, BLUSaigon đặt mục tiêu doanh thu 5 triệu USD vào năm 2026. Đồng thời, sẽ lập một quỹ trợ giúp thế hệ trẻ gìn giữ nghề, trong đó, tôi sẽ trích 10% thu nhập của mình và thuyết phục Công ty chi 5% doanh thu hàng năm để tài trợ Quỹ”, Quyên chia sẻ.

Doanh nhân, nhà quản lý, các “tín đồ” thời trang là nhóm khách hàng mục tiêu của BLUSaigon, khi họ có khả năng chi trả vài triệu đồng cho một chiếc bút mang dấu ấn riêng (có thể khắc tên theo yêu cầu), sử dụng 10 - 20 năm (hoặc khi hết mực có thể tiếp tục bơm thêm); hay từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng cho các sản phẩm trang sức như vòng tay, dây chuyền, bông tai…

Quyên cũng cho biết, ngân sách trung bình của khách hàng khi đến với BLUSaigon là 1,5 - 2 triệu đồng/cây bút, thậm chí, có người mua 10 - 20 cây (ngoài mục đích viết, còn để sưu tầm). Vì vậy, nhà sáng lập BLUSaigon cho rằng, mức giá trên là hợp lý, vì có thể dùng được cả đời và chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với sản phẩm có cùng chất lượng trên thị trường.

Sau khoảng 2 năm, kể từ khi nghiên cứu, sản xuất và đưa ra bán thăm dò phản hồi từ người thân bạn bè, Quyên cho biết, Công ty đã đạt điểm hòa vốn, với sản phẩm chính là bút ngọc trai.

“Từ vỏ sò, có rất nhiều sản phẩm có thể được làm ra. Ngoài showroom, chúng tôi đang triển khai bán qua nhiều kênh trực tuyến để tìm những kênh hiệu quả nhất trước khi đầu tư thêm vốn”, Xuân Quyên chia sẻ về bài toán lớn nhất mà cô phải giải quyết, đó là tiếp thị sản phẩm.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục