Ngày 15/4/2020, Báo Ðầu tư Chứng khoán có bài viết phản ánh về những điểm bất thường trong báo cáo tài chính của PRT.
Theo đó, có hai điểm bất thường lớn: một là, khi tiến hành cổ phần hóa, kiểm toán xác định lại giá trị thực tế tài sản và phần vốn nhà nước thì phát hiện vênh 1.198 tỷ đồng (giá trị trên sổ sách là 3.147 tỷ đồng, khi xác định lại là 4.346 tỷ đồng); hai là, khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) có tình trạng góp vốn rẻ, mua lại đắt.
Về khoản đầu tư vào Công ty Tân Thành, báo cáo tài chính năm 2016 của PRT thể hiện, giá trị đầu tư vào khoảng 192 tỷ đồng (PRT nắm giữ 30% vốn điều lệ Công ty Tân Thành). Sau đó, PRT mua lại 19% vốn điều lệ Công ty Tân Thành, đơn giá là 105.737 đồng/cổ phần.
Vấn đề là khi định giá lại, giá trị tài sản gồm quyền sử dụng đất, công trình trên đất và máy móc thiết bị của Công ty Tân Thành lên tới 5.744 tỷ đồng. Như vậy, PRT góp vốn rẻ, mua lại đắt…
Theo PRT, Tổng công ty góp vốn vào Công ty Tân Thành bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha, giá trị khu đất được Tổng công ty thỏa thuận với các đối tác là 256.000 đồng/m2.
Trong đó, phần Tổng công ty góp vốn vào Công ty Tân Thành và được các bên đồng ý định giá là 96.000 đồng/m2; Công ty Tân Thành thanh toán phần chênh lệch còn lại là 160.000 đồng/m2. Giá trị sổ sách khoản đầu tư này trên báo cáo tài chính riêng của PRT là 144 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ (480 tỷ đồng).
Năm 2018, PRT mua lại 19% vốn điều lệ Công ty Tân Thành từ các cổ đông hiện hữu, trong đó có 4% từ công ty liên kết là Công ty cổ phần Hưng Vượng (ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị PRT là thành viên hội đồng quản trị công ty liên kết này - PV), giao dịch được các cổ đông thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông ngày 26/10/2018.
Tại thời điểm mua lại 19% cổ phần, PRT đã thuê Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân để định giá lại. Tài sản trên đất đã hoàn thành là sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được xác định là 3.726.451 đồng/m2 (thời điểm tháng 11/2018).
“Giá trị tăng lên của Công ty Tân Thành khi định giá lại phần lớn là sự tăng giá trị của quyền sử dụng đất theo thời gian và giá trị tài sản đã hoàn thành”, PRT giải trình.
Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2020 của PRT thể hiện có khoản phải thu 182 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Hưng Vượng, nguyên do từ việc hủy bỏ hợp đồng mua vốn cổ phần ngày 26/11/2018 theo thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng ngày 19/11/2019.
Trước giải trình của PRT, giới đầu tư thêm băn khoăn, vì sao Tổng công ty mua lại cổ phần Hưng Vượng với giá cao, vì sao lại hủy bỏ giao dịch, liệu có việc buông lỏng quản lý vốn nhà nước khi cổ đông nhà nước thông qua giao dịch mua bán đáng ngờ trên hay không? Ðược biết, vốn nhà nước tại PRT đang ở mức 60,98% vốn điều lệ.
Về số liệu vênh 1.198 tỷ đồng, PRT cho biết, chênh lệch này bao gồm các khoản mục chính là chênh lệch của các khoản đầu tư tài chính dài hạn (940 tỷ đồng), hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi (46 tỷ đồng) và ghi nhận giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp (193 tỷ đồng).
Ðối với chênh lệch của các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chênh lệch của khoản mục đầu tư vào công ty con là 612 tỷ đồng và công ty liên doanh, liên kết là 328 tỷ đồng.
Trong đó, ở khoản chênh lệch đầu tư vào công ty con, việc định giá tăng phần lớn phát sinh ở khoản mục giá trị quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Sân Golf Palm Sông Bé. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên 534 tỷ đồng sau khi định giá lại.
Về việc không xác định giá trị lợi thế (gồm lợi thế thương mại và tiềm năng phát triển), theo PRT, tại thời điểm xác định (ngày 31/12/2015), sổ sách kế toán không phát sinh khoản này theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam, mà khoản mục này chỉ phát sinh khi xác định giá trị doanh nghiệp cho mục đích cổ phần hóa.
Căn cứ biên bản xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, năm 2017, PRT ghi nhận giá trị lợi thế kinh doanh 194 tỷ đồng, bao gồm giá trị tiềm năng phát triển 191,5 tỷ đồng và giá trị thương hiệu 1,5 tỷ đồng.
Tương tự, các công ty con mà PRT sở hữu 100% vốn điều lệ cũng ghi nhận giá trị lợi thế kinh doanh. Cụ thể, Công ty TNHH Sân Golf Palm Sông Bé ghi nhận 8,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Giấy Vĩnh Phú ghi nhận 23,3 tỷ đồng.
Sau gần 1 tháng cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị PRT và ông Trần Nguyên Vũ - Tổng giám đốc PRT để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, PRT đã bổ nhiệm tạm thời dàn lãnh đạo mới.
Hiện nay, ông Lý Thanh Châu - thành viên Thường trực Hội đồng quản trị tạm thời giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn An Định giữ chức Tổng giám đốc. PRT dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 vào ngày 12/6 tới.