Sản xuất, xuất khẩu quý IV/2024 còn dư địa tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Dẫu rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng.

Sản xuất phục hồi mạnh

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương) nhận định điều này tại họp báo thường kỳ quý III/2024 tại Bộ Công thương và thông tin về tình hình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý II, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34%, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước).

Riêng tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%).

Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,6%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 6,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).

Sản xuất, xuất khẩu quý IV còn dư địa tăng trưởng

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng khởi sắc .

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước rõ hơn, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (tăng 20,7%) cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 13,4%.

Ông Bùi Huy Sơn đánh giá, dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vãn cao.. nhưng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng".

Làm rõ hơn, ông Sơn nói: "Khả năng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm dựa trên chính nội lực của chúng ta, với hàng loạt giải pháp về thúc đẩy đầu tư công, chính sách về tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng hỗ trợ doanh nghiệp, cùng đó là thị trường thế giới đã có chuyển biến tích cực hơn, lạm phát hạ nhiệt, đẩy cầu tiêu dùng hàng hóa gia tăng tại nhiều thị trường, tạo cơ hội cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam tăng xuất khẩu".

Để tiếp sức cho sản xuất, thương mại qúy IV, quý cuối cùng có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công thương đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

"Với thị trường tỷ dân Trung Quốc, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, nhờ xuất khẩu chính ngạch nên giá trị xuất khẩu cao hơn, độ ổn định cũng cao hơn hẳn (Sầu riêng tươi chỉ sau hơn 1 năm xuất chính ngạch đã mang về hơn 2 tỷ USD - Pv)".

Tính đến ngày 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 85,82 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 315,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5%, cán cân thương mại xuất siêu hơn 21 tỷ USD.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục