Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu cho quý III và IV/2024

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cuối năm chưa hồi phục đồng đều ở các thị trường, nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn khi nhiều doanh nghiệp dệt may xác nhận đã cơ bản đủ đơn hàng quý III, và quý IV/2024.
Công ty CP Dệt May Nam Định hiện đã đủ đơn hàng xuất khẩu cho năm 2024. Công ty CP Dệt May Nam Định hiện đã đủ đơn hàng xuất khẩu cho năm 2024.

"Doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho năm 2024, đang bắt đầu làm việc về đơn hàng quý I, quý II năm 2025", ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty CP May Nam Định thông tin về tình hình thị trường, đơn hàng nửa cuối năm 2024.

Sản xuất, kinh doanh vẫn nhiều áp lực bởi chi phí tăng cao, nhưng tín hiệu tốt hơn về đơn hàng giúp cho các doanh nghiệp có thêm hy vọng về đích với các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra hồi đầu năm.

6 tháng đầu năm, doanh thu của May Nam Định ước đạt 420 tỷ đồng, trong đó 90% đến từ doanh thu FOB, lợi nhuận ước đạt 10 tỷ đồng.

Xuất khẩu dần cải thiện, thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp may của Vinatex đã ký đơn hàng đến hết quý III và đang tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024, vốn là mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

Ông Đức ước tính, với tình hình đơn hàng khởi sắc những tháng tới, cả năm 2024, doanh thu Công ty đạt 700 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ổn hơn trong nửa đầu năm, với doanh thu hợp nhất ước đạt 2.286 tỷ đồng đạt 51% kế hoạch năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 113 triệu USD đạt 46% kế hoạch năm, tuy nhiên lợi nhuận riêng đã đạt 65% kế hoạch năm, với 142,7 tỷ đồng.

Với tình hình đơn hàng như hiện tại, doanh nghiệp này dự kiến, doanh thu hợp nhất 6 tháng cuối năm sẽ đạt 2.225 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 120 tỷ đồng.

Còn Tổng công ty CP May Hưng Yên cho biết, 6 tháng 2024, doanh nghiệp này đạt doanh thu 311,5 tỷ đồng, bằng 82,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 28,2 tỷ đồng, bằng 78,5% so với cùng kỳ.

"Doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động lao động bất thường, nguyên nhân là do xu hướng đi xuất khẩu lao động và cạnh tranh lao động từ các doanh nghiệp FDI trong khu vực mặc dù mặt bằng lương, thu nhập liên tục được cải thiện. Cùng đó, áp lực giao hàng và giá chưa cải thiện đã ảnh hưởng đến hiệu quả của Công ty trong nửa đầu năm 2024", bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc May Hưng Yên chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Công thương, 6 tháng 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 19,5 tỷ USD, trong đó, dệt may đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3%, xơ sợi dệt 2,16 tỷ USD, tăng 4,7%, nguyên phụ liệu các loại hơn 1 tỷ USD, tăng 11,1%.

Dù đã hồi phục so với cuối năm ngoái và cùng kỳ, nhưng chưa trở lại thời điểm sức mua cao như 2022. Rõ ràng, sức ép để về đích với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD toàn ngành trong năm nay còn không ít.

Lúc này, dù đơn hàng đã ổn hơn ở một số doanh nghiệp lớn, nhưng chưa phải là đồng đều với đại bộ phận doanh nghiệp trong ngành, chưa kể áp lực chi phí sản xuất tăng cũng khiến doanh nghiệp khó xoay xở.

Nhận định về thị trường cuối năm, lãnh đạo Dệt may Hòa Thọ Công ty cho rằng: "Kế hoạch cắt giảm lãi suất FED chưa rõ ràng, các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh có khả năng phá giá mạnh đồng tiền nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, chi phí tiền điện..., những yếu tố này làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp trong thời gian tới".

Với May Hưng Yên, doanh nghiệp này hiện đang tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nhằm cán đích kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ 2024. Kỳ vọng các đơn hàng sẽ sôi động hơn nhờ đơn hàng phục vụ mùa lễ hội như Giáng sinh và Tết dương lịch.

Thông tin từ bà Phương Hoa, thị trường quý III dự kiến có cải thiện so với quý II, tuy nhiên quý IV thì doanh nghiệp vẫn đang làm việc tiếp với các đối tác để chốt đơn hàng. Dự kiến cả năm 2024, doanh thu của Tổng công ty ước vượt 5% và lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với kế hoạch.

Song hành với các giải pháp để cán đích mục tiêu kinh doanh cho năm 2024, các doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động đầu tư để sản xuất xanh hơn, đáp ứng yếu tố bền vững. Khi sản xuất thay đổi, làm "hài lòng" nhà nhập khẩu, dệt may vẫn là nhóm hàng có lợi thế, đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu cả nước.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục