“Săn” vốn bằng trái phiếu

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có sức nóng hơn bao giờ hết khi hàng loạt thông tin phát hành được công bố, tập trung ở các doanh nghiệp bất động sản. 
“Săn” vốn bằng trái phiếu

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán trái phiếu doanh nghiệp là 129.016 tỷ đồng, lượng phát hành thành công là 117.142 tỷ đồng (tỷ lệ phát hành thành công đạt 90,8%), giúp quy mô thị trường tăng lên 10,2% GDP.

Ðáng chú ý, bất động sản là lĩnh vực có các doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng và có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả trái phiếu bất động sản là 10,01%/năm (có 4 doanh nghiệp huy động được lãi suất dưới 8%/năm).

Bất động sản là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn và tiềm ẩn rủi ro, do đó, bản thân các ngân hàng có những tiêu chí cho vay khắt khe và lãi suất thường cao hơn các lĩnh vực khác.

Trái phiếu doanh nghiệp nhóm bất động sản cũng vì thế mà có lãi suất cao nhất.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có vốn ngoại cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bí vốn ngân hàng nên quay qua kênh trái phiếu, phát hành không có tài sản đảm bảo, nên phải trả lãi suất cao, tạo rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư.

8 tháng, các doanh nghiệp huy động được 117.142 tỷ đồng trái phiếu.

Ngược lại, có những doanh nghiệp cần vốn đầu tư mở rộng sản xuất, có tài sản đảm bảo bằng chính hàng tồn kho, bằng máy móc nhà xưởng, tài sản cố định, đấy chính là những trái phiếu an toàn, thu hút được nhà đầu tư.

Thực chất, trái phiếu là kênh huy động vốn bền vững, ổn định cho doanh nghiệp, nhưng thị trường này chưa phát triển, quy mô phát hành nhỏ so với tiềm năng.

Thị trường chứng khoán dần gánh đỡ vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu.

Quan sát trên thị trường cho thấy, các doanh nghiệp tốt vẫn dễ dàng tiếp cận được vốn ngân hàng và 8 tháng đầu năm 2019, số liệu nhập khẩu máy móc, thiết bị về Việt Nam tăng trưởng cao là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp trong nước đang mở rộng sản xuất - kinh doanh. Không ít doanh nghiệp có hạn mức tín dụng tốt, thậm chí còn được vay tín chấp.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, tăng trưởng tín dụng không phải cứ cao là tốt, ở mức 14% là phù hợp, quan trọng hơn cả là sức hấp thụ của dòng tiền để tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bài bản, hiệu quả.

Ðối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, với các con số ở trên, không hẳn tất cả các trường hợp đều huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh đúng nghĩa.

Vị chuyên gia cho biết, có một “cửa” huy động vốn để doanh nghiệp tìm đến, đó là các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (private equity), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture fund), chuyên đầu tư vào các công ty tư nhân có tiềm năng tăng trưởng, quy mô trung bình và lớn.

Bên cạnh đó, trên thị trường có dòng tiền lớn “săn” mua cổ phần của các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ - nhu cầu này “săn” này khá lớn, chỉ cần doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, kinh doanh ổn.

Một số công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử huy động được cả trăm triệu USD. Dòng tiền đổ vào kênh phát hành cổ phần riêng lẻ lớn hơn nhiều so với dòng tiền đổ vào trái phiếu doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, cả hai kênh huy động vốn qua cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn quá nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có hãng định mức tín nhiệm, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, tạo nền tảng để mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ðồng thời, phát huy, thúc đẩy thị trường cổ phiếu - kênh được đánh giá là rất quan trọng, san sẻ hiệu quả gánh nặng tài trợ vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế.

Hiện tại, thị trường cổ phiếu có những điểm còn tồn tại, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư như không ít cổ phiếu kém chất lượng, một số doanh nghiệp có dấu hiệu “bán giấy lấy tiền”, vốn huy động xong lòng vòng đi đâu cổ đông không biết, có hiện tượng thao túng, làm giá chứng khoán…

Thống kê sơ bộ, có 60 - 70% các cổ phiếu niêm yết kém thanh khoản, thậm chí cả tháng không có giao dịch, trong khi những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh hấp dẫn lại chậm trễ trong việc dưa cổ phiếu lên niêm yết sau cổ phần hóa.

Do đó, thị trường chứng khoán cần có những giải pháp thực thi đồng bộ, hướng đến đạt các tiêu chuẩn tài chính quốc tế, xây dựng định chế xếp hạng tín nhiệm, nỗ lực nâng hạng thị trường, đa dạng sản phẩm…, qua đó thu hút nhà đầu tư và trở thành nơi huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp.

Tất nhiên, các doanh nghiệp huy động vốn phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt, chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý và các hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm để đảm bảo thị trường vận hành an toàn, minh bạch.

Vài năm gần đây, các doanh nghiệp bất động sản nỗ lực tìm kiếm đến kênh huy động vốn mới khi nguồn cung vốn ngân hàng dành cho bất động sản dần được siết lại bởi quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn giảm từ 60% xuống 50% kể từ đầu năm 2017 và 40% kể từ đầu năm 2018, hướng đến giảm về mức 30%. Mặt khác, tín dụng ngân hàng có chi phí đắt đỏ hơn.

Hiểu Lam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục