Giải mã tiền chảy mạnh vào trái phiếu

(ĐTCK) Trong 8 tháng đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 152.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, dù lãi suất giảm; trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hơn 117.000 tỷ đồng đã được phát hành thành công, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. 
Giải mã tiền chảy mạnh vào trái phiếu

Ngân hàng, bất động sản tăng cường huy động vốn trái phiếu

Bức tranh thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tháng 8, cũng như 8 tháng đầu năm nay cho thấy, trái phiếu tiếp tục là kênh thu hút vốn mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2019 có 39 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công so với 22 đợt của tháng 7/2019.

Ðợt phát hành thu về lượng vốn lớn nhất là của Ngân hàng TMCP Sài Gòn, với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Ðối tượng phát hành nhiều trái phiếu trong tháng 8 vừa qua vẫn là các ngân hàng và công ty bất động sản như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn;

Ngân hàng TMCP Ðông Nam Á, Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Ðạt, Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển bất động sản NOVA Tân Gia Phát, Công ty cổ phần Ðầu tư kinh doanh bất động sản Hà An, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển bất động sản Thuận Phát…

Ở góc nhìn rộng hơn, tổng hợp của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2018, lượng vốn doanh nghiệp huy động được qua phát hành trái phiếu là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời điểm cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, tương đương 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 6,19% GDP của năm 2017.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tái diễn trong 8 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, ước 8 tháng đầu năm nay, trong tổng lượng chào bán là 129.016 tỷ đồng, các doanh nghiệp đã phát hành được 117.142 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%. Thời điểm cuối tháng 8/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 10,2% GDP.

Trái phiếu chính phủ tiếp tục sôi động, dù lãi suất giảm

Khả năng hút tiền của thị trường trái phiếu chính phủ cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp vẫn tốt, dù lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm.

Trên thị trường sơ cấp, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành trong tháng 8/2019 là 10.848 tỷ đồng, tương đương 94% lượng gọi thầu, với lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn, mức giảm từ 0,09 - 0,26%/năm.

Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 152.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng 27,5% so với con số huy động được của cùng kỳ năm trước là 119.261 tỷ đồng.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp tháng 8/2019, thống kê của HNX cho thấy, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 940 triệu đơn vị, tương đương với giá trị giao dịch hơn 103.000 tỷ đồng, tăng 6% về giá trị so với tháng 7/2019.

Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 1,1 tỷ đơn vị, tương đương giá trị giao dịch hơn 115.000 tỷ đồng, tăng 19,6% về giá trị so với tháng 7/2019. Ðiều này tiếp tục thể hiện độ sâu, tính chuyên nghiệp của thị trường trái phiếu chính phủ.

Theo chuyên gia ở SSI, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng trái phiếu chính phủ. Trong tháng 8, khối ngoại có 2 tuần bán ròng, nhưng tính chung cả tháng, họ mua ròng 515 tỷ đồng, đánh dấu tháng thứ 8 mua ròng liên tiếp, với tổng giá trị mua ròng 8 tháng là 12.900 tỷ đồng.

Giải mã tiền chảy mạnh vào trái phiếu ảnh 2

Trái phiếu cạnh tranh hút tiền với thị trường cổ phiếu

Diễn biến thị trường trái phiếu có một điểm đáng chú ý là nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp được hấp thụ tốt bởi dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân.

Kết quả phát hành trái phiếu trong tháng 7 - 8/2019 cho thấy, một số đợt phát hành có đến 100% lượng trái phiếu được nhà đầu tư cá nhân mua.

Ðối tượng phát hành có các công ty niêm yết như Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Công ty cổ phần Ðầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC)… Trong đó, đợt phát hành của JDI có 36 nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, bao gồm 2 nhà đầu tư nước ngoài.

Giải mã tiền chảy mạnh vào trái phiếu ảnh 3

Thực tế trên đang đặt ra câu hỏi, liệu có phải do trái phiếu doanh nghiệp thu hút mạnh vốn đầu tư nên đây là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường cổ phiếu sụt giảm, vì bị san sẻ dòng tiền?

Theo góc nhìn của giám đốc phân tích một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong bối cảnh thị trường cổ phiếu diễn biến không rõ xu hướng do chịu những tác động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư thường tìm đến các kênh đầu tư ít rủi ro hơn so với đầu tư vào cổ phiếu.

Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp là một lựa chọn đang được nhiều nhà đầu tư cá nhân ưa thích, bởi vừa có cơ hội nhận được lợi nhuận ở mức hấp dẫn so với gửi tiết kiệm (mặt bằng lãi suất trái phiếu phổ biến từ 8 - 9%/năm), trong khi thanh khoản khá tốt.

“Dự báo sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nên dòng tiền tiếp tục bị hút vào kênh đầu tư này. Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang cạnh tranh với thị trường cổ phiếu trong thu hút vốn đầu tư. Ðiều này phần nào lý giải tại sao thanh khoản trên thị trường cổ phiếu gần đây giảm sút và chưa có tín hiệu phục hồi”, vị giám đốc trên nói.

Tương tự, góc nhìn của phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tác động bất lợi đến thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến cho tâm lý thận trọng bao trùm thị trường cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư chờ đợi xu hướng rõ nét của thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất từ 8-15%/năm đang tạo sức hút với nhà đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp hút mạnh vốn đang tác động bất lợi lên dòng tiền trên thị trường cổ phiếu, khiến cho thanh khoản trên thị trường gần đây suy giảm.

Khi lý giải thị trường trái phiếu chính phủ cũng tạo lực hút với dòng tiền, chuyên gia SSI cho rằng, sau tháng 7/2019 khá sôi nổi với 36.000 tỷ đồng gọi thầu và 32.081 tỷ đồng được phát hành trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước đã giảm mạnh lượng trái phiếu chính phủ gọi thầu xuống chỉ còn 11.500 tỷ đồng trong tháng 8 vừa qua.

Chính vì nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nắm giữ trái phiếu chính phủ gia tăng theo tốc độ mở rộng quy mô của các ngân hàng thương mại và xu hướng dịch chuyển tài sản đầu tư trong bối cảnh rủi ro tăng lên, khiến cho lượng đăng ký mỗi phiên luôn gấp từ 4 - 5 lần lượng gọi thầu và lãi suất trúng thầu liên tục giảm.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục