Sẵn sàng khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản

Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đưa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đi tới thịnh vượng chung.
Toàn cảnh cuộc họp

Chiều 9/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại diện cho Ủy ban kinh tế Việt - Nhật thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức cuộc họp tiền khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Qua hơn 17 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện được 7 giai đoạn, với 430/525 (82%) hạng mục trong Kế hoạch hành động được triển khai tốt và đúng tiến độ. Tại cuộc họp cấp cao Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 7 vào tháng 12 năm 2019, hai Bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang trải qua thời kỳ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư trong nhiều năm qua và việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang được cộng đồng các nhà đầu tư quan tâm, là điểm đến hấp dẫn và an toàn.

GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,1%, riêng quý III tăng 2,62%, dự kiến cả năm đạt gần 3%. Đồng thời, trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút FDI trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn khả quan, với tổng vốn đăng ký trên 26,5 tỷ USD, trong đó tăng vốn và mở rộng đầu tư tăng gần 8%. Các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đăng ký trên 2,1 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

“Đây là những tín hiệu tích cưc, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì phát triển ổn định kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết, trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và mở rộng đầu tư, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản đã chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư, cho thấy sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với các nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Tại cuộc họp, hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 bao gồm cả một số vấn đề tồn tại của giai đoạn 7 và một số nội dung mà hai phía đều quan tâm

Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, trong đó 8 nhóm vấn đề đã được thống nhất, bao gồm: (1) Đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; (2) Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí LNG; (8) Các vấn đề liên quan đến đất đai.

3 nhóm vấn đề còn lại gồm “Công nghiệp hỗ trợ”, “Đào tạo nhân lực kỹ năng nghề cao” và “Đổi mới sáng tạo” - là những vấn đề phía Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang tập trung phát triển - sẽ được các nhóm công tác của hai phía thảo luận nội dung cụ thể sau cuộc họp tiền khởi động này.

Đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời kỳ hậu Covid-19 và các dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam của năm doanh nghiệp lớn, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng khẳng định tại cuộc họp, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đánh giá về các nội dung mà hai bên thảo luận, Ngài Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn tới không chỉ gồm đề xuất từ phía Nhật Bản mà hai bên cần tập trung trí tuệ, đối thoại bình đẳng với mục tiêu hai bên cùng có lợi.

“Thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8, tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng mà cả chất”, Ngài Takio Yamada nhấn mạnh.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, với những cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cần tập trung vào những phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

“Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở kết quả thành công của 7 giai đoạn trước đây, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 sẽ tiếp tục được thực hiện một cách có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục