Sẵn sàng cho mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) “Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh sẽ tạo bước đột phá cho TTCK phát triển theo chiều sâu, qua đó giảm thiểu các tác động không tích cực của thị trường”, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long trao đổi với ĐTCK. 
Ông Nguyễn Thành Long Ông Nguyễn Thành Long

Những sản phẩm nào sẽ được triển khai đầu tiên khi TTCK phái sinh dự kiến mở cửa trong năm tới, thưa ông?

Thời gian qua, vì chưa đủ điều kiện chín muồi cho triển khai TTCK phái sinh, nên mỗi khi thị trường biến động đã buộc nhiều NĐT, thậm chí là các NĐT tổ chức cũng phải bán tháo, cắt lỗ. Chính yếu tố này cộng với tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh trên thị trường, khiến cho những biến động trên TTCK Việt Nam bị khuyếch đại nhiều lần.

Điểm yếu này không những làm thiệt hại cho NĐT, mà còn khiến tổ chức phát hành khó huy động vốn trên thị trường... Những hạn chế này sẽ được giảm thiểu khi vận hành TTCK phái sinh theo quy định tại Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Về sản phẩm, trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu.

Việc triển khai các chứng khoán phái sinh niêm yết khác dựa trên chứng khoán sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn theo lộ trình tại Đề án phát triển TTCK phái sinh mà Thủ tướng đã phê duyệt kèm theo Quyết định 366/2014 ngày 11/3/2014.

Để tạo sự linh hoạt trong phát triển các sản phẩm mới cho TTCK phái sinh theo nguyên tắc thận trọng, Nghị định về TTCK phái sinh xác định rõ: tùy thuộc vào trình độ phát triển của TTCK, cũng như nhu cầu của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc triển khai các sản phẩm mới, dựa trên các tài sản cơ sở khác phù hợp với thông lệ quốc tế. 

CTCK phải đáp ứng các yêu cầu như thế nào trong việc tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên TTCK phái sinh?

Nếu như TTCK cơ sở giúp NĐT tìm kiếm lợi nhuận, thì với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh chủ yếu sẽ hỗ trợ NĐT bảo vệ những lợi nhuận đã kiếm được.

Các chứng khoán phái sinh tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn rủi ro nếu NĐT không quản lý tốt các hoạt động đầu tư. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các thành viên tham gia thị trường, nhất là các đơn vị trung gian cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường như CTCK, phải đáp ứng các chuẩn rất cao về vốn, công nghệ, quản trị rủi ro, đội ngũ nhân sự...

Việc thực hiện các chuẩn mới này theo quy định tại Nghị định về TTCK phái sinh sẽ tạo bước phân hóa mạnh trong khối CTCK. Theo đó, các CTCK lớn, có tình hình tài chính lành mạnh sẽ có điều kiện để từng bước tích hợp toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ trên TTCK, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Điều này một mặt sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc CTCK diễn ra hiệu quả hơn theo quy luật thị trường, đồng thời tạo thuận lợi cho NĐT trong lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ một cách tập trung và an toàn hơn, theo đúng xu hướng phát triển trên thế giới. 

Sắp tới, UBCK chỉ đạo Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) hoàn tất các khâu chuẩn bị về hạ tầng, công nghệ, cũng như đào tạo NĐT theo hướng nào để sẵn sàng cho mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới, thưa ông?

Là một thị trường hoàn toàn mới đối với Việt Nam, để đưa TTCK phái sinh vào vận hành, một khối lượng công việc rất lớn được đặt ra. Là thị trường đi sau, yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với tổ chức vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam là không lặp lại những bài học thất bại trong quản lý TTCK phái sinh đã từng xảy ra ở các nước, hạn chế việc tự phát hình thành thị trường và giao dịch các sản phẩm phái sinh OTC theo thỏa thuận dân sự, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật chuyên ngành.

Bởi vậy, thời gian qua, trên cơ sở Quyết định số 366/2014 của Thủ tướng Chính phủ, UBCK đã chỉ đạo, phối hợp với Sở GDCK và VSD, cũng như các đối tác liên quan triển khai một số công việc.

Sắp tới, trên cơ sở quy định tại Nghị định về TTCK phái sinh, UBCK sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GDCK, VSD và các thành viên thị trường để triển khai thị trường này, bắt đầu từ khâu xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ, đến đào tạo nhân sự, xây dựng hệ thống quy trình, quy chế, đảm bảo vận hành TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho NĐT nhằm trang bị cho họ các kỹ năng đầu tư, từ đó hình thành sức cầu đủ lớn để hấp thụ các sản phẩm mới.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục