Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã có cuộc trao đổi với Báo ĐTCK.
Không ít hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về sức ép từ hội nhập. Với ngành dệt may, ông nhìn nhận ra sao về triển vọng năm 2016?
Năm qua, ngành dệt may đạt mức tăng trưởng hai con số, riêng TNG có mức tăng trưởng doanh thu trên 30%. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) có hiệu lực, chắc chắn thị trường sẽ mở rộng hơn nữa, khách hàng mới sẽ gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Thời
Gần đây, thương hiệu của hàng dệt may Việt Nam dần được khẳng định trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới mà các doanh nghiệp đang và sẽ áp dụng sẽ tạo được sức cạnh tranh tốt cho ngành. Một yếu tố nữa là nhiều tập đoàn thời trang lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sang hợp tác với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, thay vì chủ yếu chọn đối tác Trung Quốc như trước kia. Ngoài ra, giá dầu giảm cũng giúp nguyên liệu bông ga vốn phụ thuộc vào giá dầu xuống giá thấp.
Những yếu tố trên cho phép chúng ta tin tưởng rằng, triển vọng của ngành dệt may trong năm 2016 sẽ rất tốt.
Để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, từ đầu năm 2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam theo hình thức FDI. Vậy doanh nghiệp trong nước đã cảm nhận cạnh tranh đang tăng nhiệt?
Chúng ta “buôn có bạn, bán có phường”, bởi vậy, càng có thêm các nhà đầu tư vào ngành càng tạo ra vị thế tốt hơn cho dệt may Việt Nam. Bởi chúng ta đang rất cần có thêm các nhà máy dệt, để gia tăng nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo quy định, để được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào các nước TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ ba công đoạn “từ sợi đến dệt đến may” thuộc các nước nội khối TPP. Trong khi điểm yếu chung của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lúc này là khâu dệt nhuộm rất kém, sợi sản xuất chủ yếu để xuất khẩu và nhập khẩu vải ngược trở lại Việt Nam. Nguyên phụ liệu may mặc phần lớn được nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối TPP như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt may, thực sự chúng tôi không lo lắng, vì doanh nghiệp nào có sức cạnh tranh rồi thì vẫn có khả năng phát triển tốt. Xu hướng chung của doanh nghiệp dệt may trong nước là sẽ chuyển sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) nhiều hơn, tiến tới là ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng) có thương hiệu riêng, đầu tiên là bán trong nước, khi mạnh lên sau một vài năm nữa thì sẽ đưa thương hiệu ra nước ngoài.
Ông đã đề cập đến “gót chân Achiles” của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đó là hầu hết chưa xây dựng được chuỗi khép kín từ sợi đến thành phẩm, vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Là doanh nghiệp có quy mô khá lớn trong ngành, TNG đang hóa giải điểm yếu này như thế nào?
Với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp quy mô lớn có các dự án nguyên liệu nhằm đón đầu TPP.
Với TNG, căn cứ trên nguồn lực của mình, chúng tôi sẽ từng bước hạn chế điểm yếu này. Năm 2015, TNG đã có những bước chuẩn bị khi đầu tư nhà máy sản xuất dây chuyền bông tấm hiện đại để chủ động nguyên liệu, cạnh tranh về giá, tiến độ sản xuất, góp phần nội địa hóa nằm trong chuỗi cung ứng với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Năm 2016, chúng tôi sẽ đầu tư dây chuyền làm chỉ (hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc) với số vốn khoảng gần 100 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra cao hơn so với đầu tư về may gia công. Tuy nhiên, cái khó là doanh nghiệp phải có nguồn lực, một số doanh nghiệp không huy động được vốn sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh.
Ngoài ra, TNG cũng rà soát danh mục nhà cung cấp nguyên phụ liệu để phù hợp với quy tắc xuất xứ của TPP, từ đó tìm kiếm nhà cung cấp mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ của TPP.
Ông có cho rằng, khi thị trường mở rộng, hoạt động M&A trong ngành dệt may sẽ gia tăng và thị trường tập trung về tay một số tên tuổi lớn? TNG có định hướng mua lại một số nhà máy để gia tăng quy mô nhanh chóng hay không?
Đối với các nhà nhập khẩu tại các thị trường trên, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có TNG sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng để sản xuất. Hiện chúng tôi có những đối tác lớn như Tập đoàn Delcalon của Pháp, họ không đầu tư nhà máy vào Việt Nam, mà sẽ gia công sản phẩm qua TNG.
Theo mô hình đó, doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô nhà máy lên rất nhiều. Tuy nhiên, với ngành dệt may, M&A không phải là phương án hay, vì muốn có nhà máy ở đâu, nhất định phải có nguồn lao động ở đó.
Được biết, phần lớn doanh thu của TNG đến từ hoạt động gia công hàng xuất khẩu, trong khi vài năm gần đây, Công ty đã đầu tư cho mảng thời trang. Kế hoạch 2016 của TNG có tiếp tục ưu tiên cho định hướng này không, thưa ông?
Năm 2015, mảng thời trang của TNG tăng trưởng trên 40%. Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Thiết kế TNG và kỳ vọng thu hút được nhiều nhà thiết kế về cộng tác. Đây sẽ là cơ sở để TNG gia tăng thị phần nội địa, mở rộng hệ thống tại các tỉnh, thành, sau đó là thị trường ASEAN, rồi tiến tới châu Âu và Mỹ. Tự thiết kế sản phẩm và bán ra thị trường theo hình thức ODM, mang thương hiệu thời trang TNG vươn ra thế giới, thực sự là tâm huyết mà chúng tôi đang theo đuổi.
Trở thành doanh nghiệp niêm yết đạt điểm cao nhất về quản trị công ty của sàn Hà Nội năm 2015, TNG có khả năng huy động vốn từ công chúng rất dễ dàng, vậy tại sao Công ty không lựa chọn con đường tăng vốn mạnh để tăng quy mô?
Có rất nhiều đối tác, trong đó có những nhà đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề rót vốn cho chúng tôi, nhưng quan điểm của các cổ đông lớn của TNG là muốn ưu tiên cho cổ đông hiện hữu. Cũng có những câu hỏi đặt cho tôi là nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn thâu tóm Công ty, chúng tôi có từ bỏ? Thực sự, TNG đã là cuộc sống, tâm huyết của chúng tôi và chúng tôi cũng muốn tránh, không để doanh nghiệp bị thâu tóm.
Mong muốn của tôi là trong năm 2016, lãi suất cho vay sẽ giảm để gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, vì chúng tôi đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, chẳng hạn Hàn Quốc, chỉ phải chịu lãi suất đi vay ở chính quốc từ 1 - 2%/năm.