Sản phẩm xanh nhưng giá “không xanh”
Tại Hội thảo “Công nghệ xanh: Điểm chạm cho những giải pháp bền vững” do Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp Công ty TNHH WorldBaseSys (WBS) tổ chức tuần trước, Thanh Tâm, 20 tuổi, sinh viên chuyên ngành Logistics thuộc UEH cho biết, tuy rất quan tâm đến lối sống bền vững nhưng do chưa có thu nhập ổn định, cô và nhiều bạn trẻ khác khá băn khoăn khi chọn mua các sản phẩm dán nhãn thân thiện với môi trường.
“Một số người trẻ hiện nay sử dụng “sản phẩm xanh” chỉ để “bắt trend”, hết “trend” thì hết xanh. Các bạn trẻ cũng thích mua sắm theo sở thích và chưa hoàn toàn nghĩ đến việc sản phẩm đó có thực sự “xanh” hay không”, Tâm chia sẻ.
Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Theo số liệu Công ty Nielsen Việt Nam công bố năm 2023, có khoảng 31% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Trần Lê Hưng, chuyên gia Viện chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Giám đốc Global Hedge Consulting cho biết: “Sản phẩm thân thiện với môi trường có mức giá cao hơn thông thường là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng. Để tiếp cận nhóm người trẻ, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm”.
Để sản phẩm xanh không chỉ là “trend”
Ông Nguyễn Bách Việt, đại diện Microtec Việt Nam |
Ông Nguyễn Bách Việt, đại diện Microtec Việt Nam cho biết, thế hệ trẻ vừa là lực lượng lao động, sáng tạo, vừa là lực lượng tiêu dùng có tác động mạnh mẽ đến thị trường tương lai.
“Thế hệ trẻ sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thay đổi nhận thức tiêu dùng và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình bền vững”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, nếu người tiêu dùng trẻ ủng hộ và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm xanh sẽ là nguồn động lực thúc đẩy các nhãn hàng thay đổi theo hướng bền vững hơn. Mặt khác, nhà sản xuất cũng nên có những chiến lược để tác động và thay đổi nhận thức của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi.
Nhiều Đại học hiện đã có các trung tâm sở hữu trí tuệ, ươm tạo công nghệ, khuyến khích sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học xanh và hướng đến phát triển bền vững.
Cũng tại hội thảo, nhóm sinh viên của Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác Đại học Kinh tế Tp.HCM đã có cơ hội trình bày trước khán giả hai dự án nghiên cứu Máy bán trái cây tự động và Máy bán trà sữa tự động, với mục tiêu giảm rác thải nhựa và hạn chế lãng phí nguyên liệu.
Sinh viên UEH trình bày dự án Máy bán trà sữa tự động |
Trên thế giới, một số quốc gia đã bắt đầu dán nhãn công bố dấu chân carbon lên các sản phẩm xanh, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin trước khi mua sắm.
Theo TUV Rheinland Việt Nam, nhà cung cấp dịch vụ kiểm kê và chứng nhận dấu chân carbon, đồng thời là một trong những doanh nghiệp đồng hành RIS.ER Hub cho biết, kiểm kê và chứng nhận carbon footprint hiện nay được thực hiện ở 3 cấp độ: Cấp độ doanh nghiệp (CCF), Cấp độ sản phẩm (CFP) và Cấp độ Dự án.
Dù ở cấp độ nào, các doanh nghiệp đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc lựa chọn phương pháp tính toán và báo cáo cho phù hợp với mục tiêu và yêu cầu pháp lý.
Hội thảo “Công nghệ xanh: Điểm chạm cho những giải pháp bền vững” thuộc Chuỗi hoạt động kết nối RIS.ER Hub “Điểm chạm xanh” do WBS khởi xướng.
RIS.ER Hub đặt mục tiêu tạo ra hệ sinh thái các doanh nghiệp phát triển bền vững trong đa lĩnh vực, hướng đến việc trở thành chất xúc tác để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển thông qua các cam kết tăng trưởng bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tham gia vào tiêu chuẩn thương mại công bằng.
RIS.ER đồng thời cung cấp cơ hội tiếp cận nguồn đầu tư xanh, từ đó thúc đẩy tư duy bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp.