Sàn niêm yết vắng doanh nghiệp mới

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư, mà còn tác động trực tiếp đến chuyển động lên sàn của các doanh nghiệp đại chúng. 
Sàn niêm yết vắng doanh nghiệp mới

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chỉ đón thêm 8 doanh nghiệp niêm yết mới, chưa bằng 50% so với con số 19 doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm ngoái. Trong số đó, có 3 doanh nghiệp đã được chấp thuận niêm yết từ năm ngoái và 5 doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết trong năm nay.  Khối lượng cổ phiếu niêm yết mới là 4,37 triệu cổ phiếu, giảm 30,13% so với cùng kỳ.

Hai công ty vừa được chấp thuận hồ sơ niêm yết ngày 8/7 vừa qua là Công ty cổ phần Kosy và Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Trong khi Dabaco là công ty nổi tiếng trong lĩnh vực chăn nuôi và thực phẩm thì Kosy là doanh nghiệp còn ít được biết đến, với ngành nghề chính là đầu tư bất động sản và cổ phiếu KOS giao dịch trên sàn UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Với số vốn điều lệ 103,75 tỷ đồng, KOS chỉ có 56 cổ đông đại diện cho 99,93% cổ phần.

Số liệu doanh nghiệp niêm yết mới suy giảm cùng nhịp với sự suy giảm chung của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng vẫn chờ đợi thời cơ thị trường chứng khoán sôi động hơn mới lên sàn.

Phó giám đốc một ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2019 cho biết, ngân hàng có kế hoạch gọi vốn từ nhà đầu tư chiến lược, sau đó niêm yết trên HOSE nhưng do điều kiện thị trường không thuận lợi, việc chốt giá với nhà đầu tư ngoại không được như kỳ vọng. Vì thế, ngân hàng cũng chưa vội niêm yết trong lúc này. Nếu giá cổ phiếu giảm khi niêm yết có thể còn ảnh hưởng đến việc thỏa thuận với nhà đầu tư ngoại vì giá niêm yết cũng là cơ sở để tham khảo khi chốt giá mua bán.

Một vài ngân hàng đã đánh tiếng với cổ đông lên niêm yết trong năm nay là Phương Ðông (OCB), Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), Việt Á (VietABank), nhưng vẫn chưa có động thái chào sàn cụ thể. Tuy nhiên, có một ngân  hàng đã gửi hồ sơ niêm yết lên HOSE, với kỳ vọng sẽ kịp niêm yết trong năm nay.

Một nguồn hàng được chờ đợi khác cho sàn chứng khoán là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, IPO lên niêm yết. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa hiện nay khá ì ạch một phần do tiến độ của các doanh nghiệp, một phần do thị trường tài chính chứng khoán suy giảm, nên hoạt động chào bán cổ phần theo giá kỳ vọng khó khăn hơn. Từ đầu năm đến nay, không có doanh nghiệp cổ phần hóa đáng chú ý nào lên niêm yết, chưa nói đến có thể tạo được hiệu ứng trên sàn.

Trên sàn UPCoM, các doanh nghiệp lớn như Becamex (BCM), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), Công ty Ðường Quảng Ngãi (QNS) được các nhà đầu tư mong đợi, bởi đây là những doanh nghiệp lớn, có nhiều tiềm năng phát triển nên có khả năng thu hút dòng tiền khi chuyển sang niêm yết trên HOSE.

Tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là đợi thời điểm thị trường sôi động hơn mới niêm yết.  Ông Lê Miên Thụy, Tổng giám đốc Ricons chia sẻ, Ricons đã có kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng theo đơn vị tư vấn thì cuối năm là thời điểm hợp lý vì đây là điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xây lắp.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, danh sách lên sàn tới đây có Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) là đáng chú ý. Năm 2019, Vinafor đặt kế hoạch doanh thu 1.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 18%.

Ông Phí Mạnh Cường, Tổng giám đốc Vinafor cho biết, việc chậm niêm yết là do Tổng công ty đã và đang thực hiện rà soát đất đai để công bố đến cổ đông và nhà đầu tư do sản xuất lâm nghiệp gắn liền với đất lâm nghiệp, nên đất là tư liệu sản xuất quan trọng của Tổng công ty. Vinafor phấn đấu hoàn thành niêm yết trước ngày 30/9/2019.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục