Săn nhà cũ thời giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nhà trên thị trường sơ cấp tăng cao, nhiều người quay sang tìm kiếm trên thị trường thứ cấp với hy vọng mua được những căn hộ đã sử dụng từ một vài năm trước nhưng cũng không dễ dàng.
Nguồn cung nhà ở bình dân ngày một khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh Nguồn cung nhà ở bình dân ngày một khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh

Nguồn cung cạn kiệt

Dù ở yên trong nhà gần tháng qua kể từ khi có chỉ thị giãn cách xã hội đầu tiên, anh Trần Văn Dương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn thường xuyên cập nhật tình hình giao dịch, mua bán nhà đất thông qua các kênh online và môi giới thân quen. Căn nhà tập thể cũ vốn đã chẳng rộng rãi là mấy với diện tích 41 m2, đơn phòng, lại chuẩn bị đón thêm đứa con thứ hai nên Dương tính mua lại một căn chung cư ở gần nơi làm việc để thuận tiện về chăm vợ con.

Dương cho biết, 2 tuần nay được nhiều sales gọi điện giới thiệu cho cả chung cư lẫn nhà đất cần bán nhanh với giá thấp hơn so với đỉnh điểm hồi đầu năm khoảng 10-15%, nhưng vợ chồng anh đang cân nhắc chờ thêm khoảng một tháng nữa với hy vọng giá nhà sẽ giảm thêm.

“Trên thị trường hiện nhu cầu bán chưa nhiều, giá cũng chỉ giảm nhẹ, nhất là loại hình căn hộ 2-3 phòng ngủ diện tích nhỏ dưới 90 m2, bàn giao từ 2-3 năm trước, giá vẫn chưa về mức mong muốn. Mức giá mà tôi tham khảo vài tháng qua tối thiểu cũng từ 2,3 tỷ đồng, hơi quá tầm so với thu nhập của vợ chồng tôi vào thời điểm này, kể cả khi bán được căn hộ tập thể hiện tại”, Dương cho hay.

Đoạn trường tìm nhà của vợ chồng Dương cũng là vấn đề nhiều cặp vợ chồng trẻ khác đang phải đối mặt ở thời điểm này. Trên nhiều fanpage về gia đình, câu chuyện tìm mua nhà thời dịch được chia sẻ rộng rãi, nhưng kết quả chung là thực sự rất khó để mua được nhà lúc này. Sẽ là một niềm hạnh phúc dâng trào khi nghĩ tới việc không còn phải ở trong những căn phòng trọ, căn tập thể cũ chật hẹp, thiếu an toàn, thiếu tiện ích và đó là nhu cầu chính đáng của mọi người dân, nhưng để hiện thực hóa nhu cầu này lại không đơn giản, khi mà nguồn cung căn hộ ngày một khan hiếm và đẩy giá nhà tăng từng ngày, bởi thế những trường hợp chấp nhận giảm giá để có thể bán nhanh như ở trên là rất hiếm. Chưa kể, ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến thu nhập của nhiều người trở nên bấp bênh hơn, nếu vay nhiều quá rồi phải oằn mình trả nợ cũng khiến người có nhu cầu mua nhà phải cân nhắc.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, nhu cầu tìm mua nhà vào thời điểm này không những không giảm, mà còn có phần tăng lên so với khi chưa có dịch, nhưng để tìm được là không dễ dàng bởi nguồn hàng khá cạn kiệt.

“Các đợt mở bán thời gian qua chủ yếu là hàng tồn kho từ năm ngoái, nhưng tới nay cũng gần như hết, chủ yếu khách hàng mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp với các sản phẩm nhờ ký gửi tìm khách qua sàn. Dẫu vậy, giá nhiều sản phẩm trên sàn thứ cấp không những không giảm, mà còn có chiều hướng tăng, một số dự án căn hộ ở khu vực Nam và Bắc Từ Liêm đã lên giá từ vài tháng qua, nếu thực sự có nhu cầu thì khách hàng phải chấp nhận ra giá cao hơn mới có thể mua được. Hải Phát Land hiện cũng khá khó khăn trong việc tìm nguồn hàng mới, đủ chất lượng để phục vụ nhu cầu của khách hàng”, ông Giang nói.

Lệch pha cung - cầu ngày một rõ nét

Ghi nhận cho thấy, trong những đợt dịch vừa qua, một số dự án tung hàng ra thị trường với các chính sách hỗ trợ thanh toán hấp dẫn để chia sẻ với khách hàng, chẳng hạn như chương trình “Vinhomes Priority” của Vinhomes hay “Nhà đổi nhà” của Masterise Homes với những ưu đãi chưa từng có như đặt cọc 50 triệu đồng được hỗ trợ khoản vay 100%, hay chỉ cần thanh toán 20% là được nhận nhà để ở… Tuy nhiên, các chương trình này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ người có nhu cầu và chủ yếu là người có điều kiện kinh tế, bởi hầu hết sản phẩm đều nằm trong phân khúc trung và cao cấp, trong khi nhu cầu nhà ở bình dân chiếm tỷ trọng lớn nhưng nguồn cung rất hạn chế.

Tình trạng lệch pha cung cầu nêu trên được thể hiện rõ nét trong báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, khi trong tổng số 3.725 căn hộ chung cư được chào bán ra thị trường Hà Nội vào quý II/2021, có tới 2.374 căn thuộc phân khúc trung cấp (chiếm 64% tổng cung căn hộ chào bán trong kỳ), 1.052 căn thuộc phân khúc cao cấp (chiếm 28% tổng cung), còn phân khúc bình dân chỉ chiếm vỏn vẹn 8% tổng cung, tương đương gần 300 căn.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả nguồn cung mới và lượng giao dịch từ các dự án bất động sản đô thị và nhà ở tại Hà Nội đều sụt giảm mạnh, sự lệch pha cung - cầu ngày càng rõ nét khi phân khúc nhà ở bình dân với nhu cầu rất lớn và có khả năng hấp thụ tốt tiếp tục khan hiếm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường địa ốc bắt đầu có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2019, khi dòng vốn đầu tư, hành lang pháp lý, thủ tục cấp phép xây dựng ở tất cả các phân khúc bất động sản đều bị siết chặt, dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường sụt giảm mạnh, thêm vào đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến hoạt động giao dịch trên thị trường trở nên ảm đạm hơn.

“Nguồn cung sản phẩm dự án bất động sản khan hiếm, trong khi dòng tiền của xã hội khó đưa vào các ngành khác do dịch bệnh nên nhu cầu đầu tư đất nền tăng cao, tạo sốt đất ở nhiều địa phương, gây ra không ít hệ lụy đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thực tế đó tác động lớn đến tâm lý thị trường và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân sự trong ngành kinh tế này đã dần rời bỏ thị trường”, ông Đính cho hay.

Ở một góc nhìn khác, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung trong nền kinh tế, nhưng hầu như không có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng - nghỉ dưỡng, khiến doanh nghiệp lĩnh vực này khó càng thêm khó.

“Nếu không sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản thì sẽ tác động tiêu cực tới thị trường, bởi quá trình chuẩn bị cho một dự án thường mất khoảng vài năm, nếu vì vướng thủ tục pháp lý mà thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài thêm thì sẽ làm lỡ cơ hội của doanh nghiệp và trong dài hạn hơn, thị trường bất động sản sẽ thiếu cung, chênh lệch cung - cầu càng lớn, việc xây dựng các chính sách gỡ khó sẽ càng khó”, ông Võ nhấn mạnh.

Giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân quý II/2021 toàn thị trường nói chung, tại Hà Nội và TP.HCM nói riêng, tiếp tục tăng khoảng 5-7% so với quý I/2021; các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như thiếu vắng căn hộ mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý II/2021; giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội); quận 5, TP. Thủ Đức (TP.HCM); TP. Dĩ An (Bình Dương)...

Về hoạt động giao dịch, so với quý I/2021, số lượng giao dịch trong quý II/2021 sụt giảm mạnh, khi khu vực miền Bắc giảm tới 80%, còn khu vực miền Nam giảm khoảng 13%.

Cần "nuôi dưỡng" tốt nguồn cung

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản, chắc chắn cần những quyết sách thông thoáng, cởi mở hơn trong việc tiếp cận đất đai, vốn vay làm dự án, vốn vay hỗ trợ cho người mua nhà... và muốn có thị trường bất động sản phát triển tốt, trước hết phải tạo ra được nguồn cung tốt, cân bằng với kích thích nguồn cầu.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục