Samsung Việt Nam phải làm một công việc nghịch lý tại Việt Nam

Ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang phải làm một công việc rất nghịch lý, đó là chủ động tìm kiếm và phát hiện các nhà cung cấp nội địa có tiềm năng, khi phát hiện những doanh nghiệp này Samsung sẽ tư vấn cho họ đó cách thức để tham gia vào chuỗi cung ứng của mình.
Ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam hi vọng tới năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung Việt Nam Ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam hi vọng tới năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung Việt Nam

Chia sẻ về vấn đề này tại cuộc Tọa đàm "30 năm lan tỏa vốn FDI", ông Hyun Woo Bang cho biết, Samsung có quy mô vô cùng lớn vì vậy những doanh nghiệp Việt Nam muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung cũng cần có quy mô tương ứng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có quy mô tương đối thì lại thiếu sự tự tin khi tiếp cận với Samsung, cũng như mức độ tin tưởng về chất lượng chưa cao.

"Samsung đóng góp hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đây là con số thể hiện quy mô rất lớn, vì vậy cần nhìn nhận thực tế rằng để doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung là rất khó khăn. Các sản phẩm của Samsung đã và đang được xuất khẩu nhiều nơi trên toàn cầu, do đó đối với những linh kiện, những sản phẩm đầu vào được chúng tôi nhập đòi hỏi phải có một mức độ tin tưởng, mức độ liên quan đến chất lượng vô cùng cao. Vì vậy để các doanh nghiệp Việt Nam ngay bây giờ có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của Samsung thì đây là một bài toán vô cùng nan giải", ông Bang nói.

Do vậy, ông Hyun Woo Bang cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đừng vội tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với tư cách nhà cung ứng cấp 1 ngay bây giờ, mà hãy cố gắng để tham gia với vai trò nhà cung ứng cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích lũy công nghệ, cải thiện chất lượng, thì có thể vững bước hơn để trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Bên cạnh đó, Samsung cũng mong muốn các cơ quan quản lý trong nước sẽ có sự phối hợp với Samsung trong việc rà soát những doanh nghiệp có tiềm năng, sẵn sàng đầu tư quy mô lớn để trở thành nhà cung ứng cấp 1. 

Doanh nghiệp Việt Nam đừng vội tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với tư cách nhà cung ứng cấp 1 ngay bây giờ, mà hãy cố gắng để tham gia với vai trò nhà cung ứng cấp 2, cấp 3.

Ông Bang cũng cho biết, cách đây 3 năm các nhà cung cấp nội địa cấp 1 chỉ có 4, đến nửa đầu năm nay con số này đã lên đến 25, theo dự kiến cuối năm Samsung sẽ đẩy con số này lên 29, và hướng tới con số 50 doanh nghiệp nội địa vào năm 2020.

"Đối với nhiều người dân, cơ quan quản lý, khi nhắc đến chuỗi cung ứng Samsung mọi người luôn nhắc đến nhà cung ứng cấp 1. Trong chuỗi cung ứng của Samsung ngoài các nhà cung ứng cấp 1 thì còn có cung ứng cấp 2, cấp 3, gần như đã hình thành một hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng này đối với Samsung tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng trong những năm sắp tới, các cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin hơn trong việc làm thế nào để có những doanh nghiệp có quy mô phù hợp với quy mô của chúng tôi. Ngoài quy mô công ty, chúng ta còn phải chú trọng quy mô về vốn, kỹ thuật, và đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực điện tử, chúng tôi hi vọng sẽ có những doanh nghiệp như vậy trong tương lai gần", ông Bang phân tích.

Đánh giá về lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam, ông Bang cho rằng Việt Nam vẫn sẽ thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì vẫn có lợi thế cạnh tranh của riêng mình, đó là sự ổn định về mặt kinh tế và xã hội, nguồn lực ưu tú, chính sách ưu đãi và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương. Bên cạnh đó so với các nước trong khu vực Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng khá tốt như điện, nước, giao thông…

Anh Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục