Từ kỳ tích mang tên SEVT
Hơn 1 tháng trước đây, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức kỷ niệm 10 năm thành lập tại Việt Nam. Nói đúng hơn, đó là 10 năm lập kỳ tích.
Nếu đã từng tới Thái Nguyên vào 10 năm trước, thời điểm SEVT khởi công xây dựng, mới thấy hết những kỳ tích mà Samsung đã làm được trên mảnh đất này. Thời điểm ấy, KCN Yên Bình, nơi SEVT “đứng chân” vẫn là một vùng đất hoang vu, rộng mênh mông, cỏ dại um tùm. Ngay cả con đường dẫn từ quốc lộ vào khu vực dự án vẫn chỉ là con đường đất, bụi mù và gập ghềnh, khó đi. Nhưng giờ đây, giữa KCN Yên Bình là sừng sững những nhà máy to, đẹp, hệt như một thành phố công nghệ cao hiện đại bậc nhất. Và những con đường, cũng thênh thang và tấp nập đến bất ngờ!
“10 năm trước, trên chặng đường tìm kiếm lối rẽ quyết định cho nhà máy sản xuất thiết bị di động thứ hai ở Việt Nam, sau nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung đã quyết định chọn Thái Nguyên là địa điểm dừng chân”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã kể về bước chân đầu tiên trên hành trình vạn dặm của SEVT như vậy.
Sau quyết định ấy, là những ngày nhanh chóng làm thủ tục đầu tư, để rồi ngày 27/3/2013, SEVT được khởi công xây dựng, với vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD. Đúng 1 năm sau đó, tháng 3/2014, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, đồng thời quyết định đầu tư thêm 3 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 5 tỷ USD. Và kể từ đó, hành trình lập kỳ tích đã bắt đầu.
Chỉ sau 20 ngày đầu tiên đi vào hoạt động, SEVT đã xuất khẩu 90 triệu USD, một con số không tưởng, chưa từng có trong lịch sử của Samsung Mobile toàn cầu. Chỉ trong năm đầu tiên, con số đã vọt lên 8 tỷ USD. Và cho đến nay, sau 10 năm thành lập, 925 triệu điện thoại đã được xuất xưởng tại SEVT, một con số đáng mơ ước của bất kỳ nhà máy nào trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm.
10 năm với biết bao dấu ấn. Nhưng quan trọng hơn kết, SEVT đã tạo cơ hội việc làm cho 150.000 người, trong đó hơn 79.000 nhân viên tới từ thái Nguyên, chiếm 52,6%, bao gồm cả người ở các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Lũy kế trong 10 năm, SEVT đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 24.300 tỷ đồng…
Vì những đóng góp to lớn ấy, đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, SEVT đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đích thân Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng SEVT phần thưởng cao quý này. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đã trao tặng SEVT Cờ thi đua. Một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân viên SEVT.
“Thành công của Samsung chính là thành công của Việt Nam”, rất nhiều lãnh đạo Việt Nam đã từng nói như vậy. Samsung sẽ nỗ lực hết mình để trở thành doanh nghiệp cùng đồng hành với Việt Nam, trở thành doanh nghiệp quốc dân nhận được tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam.
“Điều đặc biệt là nhà máy SEVT đã phát triển thành cứ điểm chủ lực sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu của Samsung, đồng thời sản xuất các linh kiện chính để cung cấp cho các nhà máy sản xuất trên toàn cầu, như sản xuất khung kim loại năm 2014, kính 3D vào năm 2015 và kính siêu mỏng FTG chuyên cho điện thoại gập vào năm 2021”, ông Choi Joo Ho nói.
Còn ông Park Sung Ho, Tổng giám đốc SEV/T, thì tự hào cho biết, với sản lượng điện thoại sản xuất trong 10 năm qua sắp chạm mốc 1 tỷ sản phẩm, SEVT đã là nhà máy lớn nhất thế giới của Samsung, luôn duy trì sản xuất ổn định và có sản lượng cao nhất của Tập đoàn.
“Nhìn lại chặng đường 10 năm đã đi qua với bao dấu ấn, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những gì đã làm được và vững tin về tương lai phía trước. Bằng sự đồng lòng của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách. Mỗi chúng ta có thể đều rất bình thường, nhưng sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên những điều phi thường”, ông Park Sung Ho mỉm cười, nói.
Đến điều kỳ diệu mang tên Samsung
Một sự trùng hợp thú vị, ấy là cùng với hành trình 10 năm của SEVT, thì năm 2023 cũng là cột mốc đánh dấu 15 năm Samsung thực hiện đại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
15 năm trước, tháng 3/2008, Samsung nhận giấy chứng nhận đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam - Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh. Ban đầu, dự án chỉ có vốn đầu tư 670 triệu USD, nhưng rồi rất nhanh sau đó, liên tục được tăng vốn đầu tư, lên 1,5 tỷ USD, rồi lên 2,5 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Nhưng không chỉ có vậy, cùng thời điểm dồn dập đầu tư tại Bắc Ninh, Samsung còn liên tục mở rộng, đầu tư thêm tại nhiều địa phương khác ở Việt Nam. Thái Nguyên là ví dụ điển hình. TP.HCM cũng vậy, có một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng thuộc diện lớn nhất khu vực Đông Nam Á (SEHC). Không chỉ là các nhà máy thuộc Samsung Điện tử, mà còn Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) ở Thái Nguyên, hay Samsung Display (SDV) ở Bắc Ninh, toàn với quy mô vốn “khủng” và cũng không ngừng tăng vốn đầu tư.
Tốc độ tăng vốn nhanh đến mức, ở những năm tháng đầu tiên, ngay cả những người Samsung lạc quan nhất cũng không thể ngờ rằng, sau 15 năm, quy mô vốn đầu tư của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã lên tới 20 tỷ USD, gấp gần 30 lần so với thời điểm đầu tiên.
Thậm chí, con số sẽ còn tiếp tục. Bởi lẽ, trong chuyến thăm Việt Nam vào giữa năm ngoái, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc), cho biết, Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam trong năm 2022.
Đại kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam đang ngày càng được tô điểm thêm những nét vẽ rực rỡ. Cùng với việc tăng quy mô đầu tư, những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Thậm chí, không chỉ là “đóng góp”, mà đó còn có thể gọi là “những điều kỳ diệu”.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, tất cả những thành tựu hôm nay chính là thành quả của một sự nỗ lực phi thường. Nếu SEVT nỗ lực 1, thì SEV nỗ lực 10. Bởi lẽ, khi SEV bắt đầu hành trình ở Việt Nam, họ đã phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên. Còn SEVT, đã có nền tảng của một SEV 5 năm thành công ở Việt Nam.
SEV - vào năm đầu tiên hoạt động, đã đạt kim ngạch xuất khẩu 245 triệu USD, và rất nhanh sau đó, lần lượt cán mốc 2 tỷ USD, 3 tỷ USD… để đến năm 2012, đạt kim ngạch xuất khẩu 12,72 tỷ USD. Vào thời điểm đó, việc chỉ một nhà máy mà đóng góp tới hơn 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (114,6 tỷ USD - PV) là điều thật khó tin. Vậy nhưng, sau khi lần lượt SEVT, SEMV, rồi SEHC, SDV… đi vào hoạt động, những đóng góp của Samsung cho thương mại hàng hóa của Việt Nam còn có bước nhảy thần tốc hơn nữa. Năm 2017, Samsung - với kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỷ USD, đã đóng góp tới trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong vòng 5 năm sau đó, từ 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Trong đó, riêng năm 2022, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, con số đạt được vẫn lên tới 65 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD, đạt hơn 732 tỷ USD. Giữa lúc kinh tế Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, những gì mà Samsung làm được, đã góp phần quan trọng tạo động lực để nền kinh tế Việt Nam “vượt bão” thành công.
Không những thế, sau sự xuất hiện của Samsung, là hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà sản xuất vệ tinh cho tập đoàn này đã vào Việt Nam, với quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD. Và tất nhiên, kéo theo đó, sẽ là cơ hội việc làm, là thu nhập của người lao động, là các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước. Không những thế, “cú hích” Samsung cũng đã đưa hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn tới Việt Nam thiết lập cứ điểm sản xuất toàn cầu.
Chính bởi lẽ đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã từng nói rằng, với Samsung, nên đặt họ ở vị trí như một đối tác chiến lược quốc gia, với hàm ý rằng, sự xuất hiện của Samsung sẽ không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất, mà quan trọng hơn, tạo ra các trục ngành kinh tế và “kéo” Việt Nam lên một bước phát triển cao hơn.
Mà đúng như thế, trước khi Samsung đến, không ai nghĩ rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động và điện tử lớn hàng đầu thế giới hiện nay. Không riêng Samsung từng bước biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và kéo Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, mà nhiều “ông lớn” công nghệ khác, như LG, như Apple, như Intel… cũng vậy! Họ đã cùng với Samsung ngày càng đầu tư nhiều hơn và cũng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Nhưng nếu muốn nhìn tận mắt những điều kỳ diệu mà Samsung đã làm được ở Việt Nam, hãy đến Bắc Ninh và Thái Nguyên, để thấy những vùng đất này đã đổi thay ra sao kể từ khi Samsung đặt chân đến.
Trong cuộc gặp gần đây với lãnh đạo Samsung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, đã nhấn mạnh những đóng góp tích cực của Samsung trong việc đưa các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thị Thanh Hải thì khẳng định, những thành tựu của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua có sự đóng góp to lớn của Tập đoàn Samsung, đặc biệt là về thu ngân sách, xuất khẩu, giải quyết việc làm và công tác an sinh xã hội…
Đâu phải doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào cũng làm được như Samsung! Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mà Samsung còn là hình mẫu lý tưởng trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Chính họ, bằng sự nỗ lực của mình, còn đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần không nhỏ phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Hiện tại, số lượng nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Bởi thế, sau khi tận tay trao tặng SEVT Huân chương Lao động hạng Ba hôm công ty này tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nói rằng: “Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu quá trình 10 năm xây dựng và phát triển của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên nói riêng và Tập đoàn Samsung nói chung tại Việt Nam, là minh chứng rõ nét cho quan hệ hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc”.
Và “nơi ước mơ thành hiện thực”
Cũng lại là một sự trùng hợp thú vị. Cuối năm ngoái, Samsung đã chính thức khánh thành Trung tâm R&D, quy mô 220 triệu USD tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), chính thức hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược vào Việt Nam.
Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, bởi được tổ chức vào đúng thời điểm Việt Nam vừa kết thúc hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, để bước vào một hành trình mới, với những kỳ vọng to lớn hơn về chất lượng dòng vốn, về những đóng góp to lớn hơn của khu vực đầu tư nước ngoài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong “nâng chất” nền kinh tế.
“Đã qua rồi cái thời Việt Nam là cơ sở sản xuất giá rẻ cho các công ty toàn cầu”, tờ The Korea Herald của Hàn Quốc đã bình luận như vậy nhân sự kiện Chủ tịch Samsung Jay Y.Lee đích thân sang Việt Nam khánh thành Trung tâm R&D. Tờ báo này thậm chí còn nhận định rằng, Trung tâm R&D mới chính là “đỉnh cao” của cam kết kéo dài hàng thập kỷ của Samsung đối với Việt Nam.
Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung không chỉ góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà giờ đây, còn đang bắt đầu “kéo” Việt Nam vào “sân chơi” R&D toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang coi đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế và đang nỗ lực xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, với kỳ vọng sẽ biến nơi đây thành “cái nôi” nghiên cứu, sáng tạo của khu vực và thế giới…
Chính ông Choi Joo Ho cũng đã khẳng định rằng, việc hoàn thành Trung tâm R&D đã thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là “cứ điểm sản xuất” để trở thành “cứ điểm chiến lược về R&D” của Samsung trên toàn cầu.
Còn ông Roh Tae-Moon, khi tháp tùng Chủ tịch Jay Y. Lee tới Việt Nam tham dự Lễ khánh thành Trung tâm R&D, thì cho biết, Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu.
“Samsung cũng sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay”, ông Roh Tae-Moon nói.
Thậm chí, trong mong muốn của ông Roh Tae-Moon, Trung tâm R&D mới sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài công nghệ thông tin số một Việt Nam và sáng tạo ra những công nghệ hàng đầu.
“Xa hơn nữa, tôi kỳ vọng những nhân tài trưởng thành từ Trung tâm R&D Samsung sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam”, ông Roh Tae-Moon nhấn mạnh.
Đó thực sự là một tin mừng, một món quà lớn cho Việt Nam. Bởi đã từ lâu, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài mang tới các dự án đầu tư mang tính chất thượng nguồn như vậy, mong muốn người lao động Việt Nam không chỉ có cơ hội bước từ ruộng đồng vào nhà máy công nghiệp, mà còn là cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, chuyển giao các công nghệ hàng đầu thế giới.
Cơ hội để Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu vì thế sẽ cao hơn nữa, nhất là khi chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhà máy SEMV sẽ sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn. Dù mới chỉ là sản xuất linh kiện bán dẫn, nhưng đây vẫn sẽ là “bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín ‘chuỗi sản xuất’ trong lĩnh vực điện tử của Samsung tại Việt Nam”, như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đã từ lâu, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế…
Dường như, một tương lai mới, một chặng đường phát triển mới tại Việt Nam đang mở ra với Samsung. Chắc hẳn, sẽ còn có các hoạt động chiến lược khác được Samsung đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Và rất có thể, sẽ lại có thêm những kỳ tích mới được lập…
Nhớ hôm kỷ niệm 10 năm thành lập SEVT, ông Park Sung Ho, nói rằng, ở cột mốc kỷ niệm 10 năm quan trọng này, chính là lúc phải “lên dây cót” chuẩn bị cho kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn 10 năm, 20 năm sắp tới.
“Với tư cách là Tổng giám đốc điều hành Công ty, tôi mong muốn chúng ta hãy cùng nhau viết nên lịch sử cho một tương lai mới ‘Samsung Việt Nam - Nơi ước mơ thành hiện thực’. Chúng tôi kỳ vọng SEVT sẽ là nơi biến ước mơ của tôi, ước mơ của toàn thể cán bộ nhân viên, ước mơ của Samsung Việt Nam vươn tầm thế giới trở thành hiện thực. Và sau cùng, ước mơ của đất nước Việt Nam trở thành hiện thực, bởi Samsung Việt Nam rất lấy làm vinh dự, tự hào vì có thể đóng góp phần nhỏ bé của mình trên tiến trình đưa nền kinh tế của Việt Nam phát triển thần tốc và vươn lên một tầm cao mới. Đó chính là Dreams come true Samsung Vietnam”, ông Park Sung Ho nhấn mạnh.
Đó có lẽ không chỉ là ước mơ của riêng SEVT, mà là ước mơ chung của Samsung tại Việt Nam. Samsung Việt Nam chính là “Nơi ước mơ thành hiện thực”.
Trong vòng 5 năm 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Trong đó, riêng năm 2022, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, con số đạt được vẫn lên tới 65 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD, đạt hơn 732 tỷ USD. Giữa lúc kinh tế Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, những gì mà Samsung làm được, đã góp phần quan trọng tạo động lực để nền kinh tế “vượt bão” thành công.
Thái Nguyên, nếu như trước đây chỉ được biết đến với chè, với gang thép, thì giờ đây, sau một thập kỷ, đã trở thành địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu. Tăng trưởng GRDP vì vậy đã tăng tốc mạnh mẽ. Năm ngoái, GRDP của Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 8,59%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (8,02%); kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, còn giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 931.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau 15 năm, từ một vùng đất thuần nông, Bắc Ninh đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành “thủ phủ” hàng đầu của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, với GRDP theo giá hiện hành ước đạt 248.376 tỷ đồng, Bắc Ninh đứng thứ 4 Vùng Đồng bằng sông Hồng, và đứng thứ 9 trong cả nước về quy mô kinh tế. Chỉ riêng trong năm này, Bắc Ninh đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 45,1 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị thế đứng thứ hai cả nước, sau TP.HCM.
Đóng góp vào thành quả kinh tế - xã hội quan trọng này của Bắc Ninh và Thái Nguyên, có vai trò không nhỏ của Samsung.